Tín hiệu tốt cho xuất khẩu da giày

Những năm gần đây, ngành da giày Việt Nam liên tục lọt vào top 10 nước xuất khẩu da giày trên thế giới và là nước đứng thứ hai xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Những tín hiệu gần đây cũng cho thấy, ngành này đang đứng trước những cơ hội lớn.


 

Ngành da giày Việt Nam đang có những tín hiệu tốt để mở rộng thị trường xuất khẩu.

 

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày tháng 5/2013 đạt 750 triệu USD, tính chung 5 tháng đầu năm đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Với các thị trường truyền thống, kim ngạch xuất khẩu đều đạt trên 100 triệu USD, trong đó, cao nhất là thị trường Mỹ với 755 triệu USD, thị trường Anh 149 triệu USD, Bỉ 140 triệu USD, Nhật Bản 121 triệu USD, Trung Quốc đạt 114 triệu USD… Hiện các DN trong ngành đã có đơn hàng ổn định đến hết quý II và III/2013.


Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, cho biết, ngành da giày Việt Nam đang có những tín hiệu tốt. Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết, là cơ hội lớn để thúc đẩy sự phát triển của ngành da giày Việt Nam. Bởi khi gia nhập TPP, sản phẩm da giày Việt Nam sẽ có thị trường rộng lớn với 2,7 tỷ người, GDP chiếm 50% GDP toàn thế giới. Đồng thời, các sản phẩm da giày của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang các thị trường này so với mức 14% như hiện nay. Điều này giúp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm da giày Việt Nam so với sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu giày dép lớn như Trung Quốc, Ấn Độ vốn không phải là thành viên TPP.

 

Mặt khác, từ ngày 1/1/2014, sản phẩm giày dép Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập giai đoạn 2014 - 2016 với mức thuế chỉ từ 0% đến dưới 5%.


Nhờ những tín hiệu trên, trong năm nay, dự kiến đơn hàng từ thị trường Mỹ có thể tăng khoảng 10%. Nhiều thương hiệu lớn ở Hoa Kỳ cũng bắt đầu nhắm đến Việt Nam như là nơi cung cấp sản phẩm lớn cho họ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thêm nhiều cơ hội để thu hút đầu tư từ các nước có nhiều điều kiện học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận công nghệ mới… giúp ngành da giày Việt Nam phát triển bền vững.


Ở góc độ khác, thường vào tháng 9, 10, ngành da giày thường có tốc độ tăng trưởng nhanh. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ đạt từ 14 - 15% trong năm 2013.


“Tuy nhiên, ngoài việc được hưởng ưu đãi thuế quan từ EU, chúng ta cũng có một số thách thức như phải chấp nhận mở cửa thị trường. Các nước trong TPP cũng có cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang nước ta với mức thuế ưu đãi tương tự. Do đó, thị trường trong nước sẽ có sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài có chung chủng loại hàng. Để được hưởng thuế suất ưu đãi 0%, các DN phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu đối với sản phẩm giày. Thế nhưng, đây lại chính là điểm yếu của các DN da giày trong nước bởi chúng ta vẫn phải nhập nguyên phụ liệu của nước ngoài”, ông Thành Kiệt cho biết thêm.


Thực tế, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp da giày Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 50%, trong khi nguyên phụ liệu chiếm đến 75% giá thành của sản phẩm. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu của nước ngoài đang làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp.


Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội da giày TP Hồ Chí Minh cho rằng: Để khắc phục những điểm yếu trên, các DN ngành da giày cần phải tăng năng suất lao động và chủ động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước; tập trung xây dựng lại thương hiệu và giành lại thị phần ở thị trường nội địa. Lâu nay, việc tập trung sản xuất hàng gia công xuất khẩu nên các DN bỏ quên thị trường nội địa đầy tiềm năng.


Ngoài ra, để tăng sức cạnh tranh với các DN xuất khẩu da giày trong khu vực và thế giới, các DN Việt Nam cần giữ vững thương hiệu tại các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng thêm thị phần tại những thị trường mới như Thái Lan, Campuchia… để có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu. Muốn thâm nhập vào thị trường mới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp của ta nên kết hợp với một DN đã có thương hiệu ở nước bạn. Sự kết hợp này giúp doanh nghiệp Việt Nam sớm có cơ hội hình thành hệ thống phân phối ở những thị trường trên.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN