Tín hiệu tích cực đối với xuất khẩu tôm Việt Nam

Sau nhiều năm áp thuế chống bán phá giá vô lý lên tôm Việt Nam, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định công nhận 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam không bán phá giá vào thị trường Mỹ. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về vấn đề này.

 

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Kinh doanh chế biến thủy sản xuất khẩu Quốc Việt (Cà Mau). Ảnh: Trần Việt -TTXVN

 

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ đã thoát khỏi “án” bán phá giá và đều được hưởng mức thuế 0%. Vasep đánh giá gì về quyết định này của DOC?


Ngày 10/9/2013, Bộ Thương mại Mỹ đã ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ ngày 1/2/2011 đến 31/1/2012. Trong quyết định này, DOC đã công nhận toàn bộ 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 này (POR7) đều không bán phá giá tôm trên trên thị trường Mỹ. Do đó, 33 doanh nghiệp đều nhận mức thuế 0%.


Kết quả đã một lần nữa khẳng định rằng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang và sẽ hoạt động theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, không nhận được bất cứ sự trợ giá nào từ phía Chính phủ. Do đó, đương nhiên doanh nghiệp tôm và sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải được đối xử khách quan, công bằng, phù hợp với tinh thần thương mại tự do, bình đẳng cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ.

 

Người nuôi tôm, doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ sẽ được hưởng lợi những gì từ thông tin này?


Trước tiên, tinh thần của người nuôi và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ phấn khởi hơn. Họ tin vào sự công bằng, khách quan của thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, quyết định này còn làm tăng uy tín của tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam luôn mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ không riêng gì tại thị trường Mỹ mà còn tại nhiều thị trường khác, nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Việc công nhận doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá tôm cũng cho thấy, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp luôn chú trọng đến hình thức kinh doanh, luôn đảm bảo theo đúng quy luật kinh tế thị trường nhằm phát triển xuất khẩu một cách bền vững tại các thị trường nước ngoài.


Để tránh bị áp thuế bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ, điều quan trọng nhất doanh nghiệp cần làm là tránh cạnh tranh bằng cách hạ giá bán. Từ vụ kiện này, chúng ta cũng rút ra một bài học kinh nghiệm là các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tìm hiểu đầy đủ hơn thông tin đối với thị trường nhập khẩu, nắm rõ hơn những qui định kinh doanh, pháp luật hiện hành của nước sở tại để không vướng vào hàng rào thương mại của các nước. Điều quan trọng nữa là xây dựng sức mạnh đoàn kết tập thể, thống nhất cao giữa các doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh tại thị trường nước ngoài.

 

Xin ông cho biết, việc DOC áp thuế chống phá giá đối với tôm của Việt Nam từ năm 2004 trên thị trường Mỹ trước đây đã gây thiệt hại như thế nào cho người nuôi trồng, doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam?

Đây là lần đầu tiên kể từ 2004, các thành viên của Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam (Vasep) được hưởng mức thuế 0% đối với mặt hàng tôm tại thị trường Mỹ.


Từ năm 2004, tôm Việt Nam chính thức bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mức thuế 4,57% cho các doanh nghiệp tham gia xem xét hành chính lần thứ 1 (giai đoạn từ 16/7/2004 - 31/1/2006). Từ 2004 đến nay, các doanh nghiệp đều phải chuẩn bị cho các đợt xem xét hành chính hàng năm nên hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp còn phải bỏ ra khoản tiền rất lớn để thuê luật sư theo đuổi vụ kiện này.


Việc xem xét áp thuế chống phá giá được thực hiện hàng năm. Đối với vụ kiện tôm của Việt Nam là tháng 2 hàng năm. Đánh giá sơ bộ sẽ được đưa ra sau khoảng một năm, kết quả chính thức được công bố sau một năm rưỡi. Bên cạnh đó, cứ sau 5 năm, Mỹ sẽ rà soát lại một lần về khả năng đưa một mặt hàng ra khỏi danh mục các sản phẩm bán phá giá. Vasep hy vọng, với kết quả khả quan này sẽ giúp tôm Việt Nam rút ra khỏi các vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ.

 

Mỹ là một trong những thị trường chính của các thành viên Vasep, với doanh thu xuất khẩu hàng năm khoảng 600 triệu USD đối với tôm đông lạnh. Theo luật của Mỹ, sau một năm rưỡi, các nhà xuất khẩu tôm mới biết lô hàng của mình sẽ bị đánh thuế bao nhiêu. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối diện với rủi ro bị thu thuế hồi tố một khi mức thuế mới được xác lập. Do đó, mức thuế chống phá giá 0% chưa phải đã là ngưỡng an toàn lâu dài.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)


P.Sơn (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN