Tiếp tục làm rõ chuyện lỗ lãi kinh doanh xăng dầu

Cách đây hơn 1 tuần, Bộ Tài chính đã họp để công bố lỗ lãi của 4 doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối, công nhận DN xăng dầu đang bị lỗ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, nếu như không có khoản chênh lệch tỷ giá và khoản chi vượt định mức (theo quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP là 600 đồng/lít xăng dầu) thì kinh doanh xăng dầu vẫn có lãi. Sau công bố trên của Bộ Tài chính, trong tuần này, Bộ Công Thương đã có văn bản làm rõ hơn về chuyện lỗ lãi của DN kinh doanh xăng dầu, trong đó có Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Lỗ chủ yếu do biến động tỷ giá

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, tính từ năm 2008 đến nay, kinh doanh xăng dầu của Petrolimex chỉ năm 2009 là có lãi 2.660 tỉ đồng. Còn lại, năm 2008 bị lỗ tới 11.945 tỉ đồng, năm 2010, lỗ 172 tỉ đồng. Riêng 9 tháng năm 2011 con số lỗ là 2.134 tỉ đồng. Phần lớn số lỗ của năm 2011 là do chênh lệch điều chỉnh tỷ giá. Đây là yếu tố khách quan do điều chỉnh chính sách tỷ giá tác động làm kinh doanh xăng dầu lỗ, không phải do chủ quan của doanh nghiệp.

Hoạt động tại một cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Công ty Xăng dầu khu vực 1 - một trong 4 đơn vị được kiểm tra tình hình kinh doanh. Ảnh: Minh Tú - TTXVN


Qua kết quả kiểm tra 4 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối được công bố mới đây, Bộ Tài chính cũng đã khẳng định, nguyên nhân gây lỗ kinh doanh xăng dầu chủ yếu do biến động tỷ giá. Nhưng, có ý kiến cho rằng, việc Bộ Tài chính giả định nếu không có biến động tỷ giá và DN chi phí vượt định mức thì kinh doanh xăng dầu vẫn có lãi đã tạo ra nghi ngờ về việc lỗ lãi của DN.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, trong quá trình tham mưu điều hành giá điện, giá xăng dầu giữa hai Bộ: Công Thương và Tài chính đều có sự phối hợp thống nhất. Có ý kiến khác nhau trong chuyện tính lỗ lãi của kinh doanh xăng dầu là do cách tính khác nhau.

Định mức chi phí chưa phù hợp

Một trong những nguyên nhân gây ra thua lỗ trong kinh doanh xăng dầu là do các DN chi phí vượt định mức. Kết luận trên của Bộ Tài chính dựa theo Thông tư số 234/2009/TT-BTC về định mức chi phí bán lẻ xăng dầu vùng 1 là 600 đồng/lít; bán buôn 400 đồng/lít.

Về việc DN phải chi phí vượt định mức, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng giải thích rằng, đó là do chi phí định mức đang áp dụng quá thấp, không đủ bù đắp chi phí thực tế. Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cũng cho biết: “Định mức chi phí theo Nghị định 84 là 600 đồng/lít xăng dầu đến nay không còn phù hợp khi mà giá cả, tiền lương, cước phí vận chuyển đã tăng lên rất nhiều. Ngay trong năm 2010, qua khảo sát ở nhiều địa phương, chi phí thực tế phải lên tới trên 800 đồng/lít. Kết quả khảo sát trên đã được Petrolimex báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính”.

Cũng liên quan đến vấn đề chi phí định mức của DN, theo Bộ Công Thương, từ ngày 7/4/2011, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương lấy ý kiến về việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Thông tư 234, sau đó Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị điều chỉnh lại chi phí định mức xăng dầu tối đa lên 860 đồng/lít (thay vì 600 đồng như hiện hành) và chi phí định mức bán buôn với madút tại vùng I tối đa 500 đồng/lít, kg (thay vì 400 đồng như hiện hành).

Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương lấy ý kiến về việc điều chỉnh bổ sung mức chi phí kinh doanh định mức và đề nghị chi phí bán lẻ bình quân của các địa bàn vùng 1 với xăng, điêden, dầu hỏa tối đa là 860 đồng/lít (mức hiện nay là 600 đồng/lít)...

Bộ Công Thương khẳng định, việc tăng chi phí định mức là rất cần thiết, nếu không hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn. Ngay trong các năm 2010 và 2011, nhiều cây xăng đã ngừng bán hàng gây khó khăn cho việc duy trì hệ thống đại lý xăng dầu, ảnh hưởng không tốt cho sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, trong khi chờ định mức chi phí mới được áp dụng, Bộ Công Thương đã yêu cầu Petrolimex vẫn phải chấp nhận lỗ để duy trì hệ thống, không để đứt nguồn cung.

Được biết, việc phải gánh thị phần lớn ở các vùng sâu, vùng xa cũng là một trong những nguyên nhân khiến Petrolimex phải chi phí định mức. Riêng năm 2011, sản lượng bán cho thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chiếm tới 15,5% tổng sản lượng của Petrolimex. Ước cả năm nay, tổng kinh phí hỗ trợ nguồn lực của Petrolimex (bù cước vận tải) cho 9 công ty vùng sâu xa là khoảng 73 tỷ đồng.

T.Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN