'Tiếp sức' cho tiêu dùng nội địa bằng chính sách thuế và vốn

Theo các chuyên gia kinh tế, để tiếp sức cho tiêu dùng nội địa, trước tiên cần cải thiện niềm tin, thu nhập cho người tiêu dùng và nâng cao “sức khỏe” cho doanh nghiệp từ các chính sách hỗ trợ vốn và thuế...

Chú thích ảnh
Ngươi tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm của các hệ thống bán lẻ có uy tín.

Thị trường đối mặt thách thức kép

Ngày 22/4, chia sẻ tại hội nghị các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, ông Phan Văn Chinh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, những tháng đầu năm 2025, thị trường hàng hóa trong nước vẫn giữ được sự ổn định tương đối khi nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, giá cả không có biến động lớn. Tuy nhiên, sức mua vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá rõ rệt. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2025 đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng thực chỉ đạt khoảng 7,5%, phản ánh tâm lý tiêu dùng dè dặt trong bối cảnh thu nhập của người dân chưa thực sự phục hồi. 

"Đáng chú ý, mức tăng tập trung chủ yếu ở nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ ăn uống, du lịch, trong khi các nhóm hàng như phương tiện đi lại, đồ gia dụng, may mặc chỉ tăng nhẹ. Điều này phản ánh rõ sự thận trọng của người dân trong chi tiêu, đặc biệt khi thu nhập còn chịu ảnh hưởng từ bối cảnh kinh tế toàn cầu", ông Chinh nói.

Theo ông Chinh, thị trường trong nước hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Đó là sự suy giảm của kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại và biến động tỉ giá ngoại tệ, khiến thị trường xuất khẩu gặp khó, kéo theo thu nhập của một bộ phận người dân giảm sút. Những yếu tố này gián tiếp làm chậm lại đà tiêu dùng nội địa.

Song song đó, hành vi tiêu dùng cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Người dân chuyển từ hình thức mua sắm trực tiếp (offline) sang trực tuyến (online), đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng thích ứng với các nền tảng số. “Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa đủ năng lực đầu tư, cả về hạ tầng công nghệ lẫn nhân lực triển khai chuyển đổi số. Ngoài ra, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng phát triển mạnh mẽ, người tiêu dùng dễ dàng mua trực tiếp hàng hóa từ nước ngoài qua các nền tảng như Temu, Shein hay TikTok Shop. Trong khi đó, hàng hóa nội địa vẫn gặp khó trong tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại do chi phí cao và thủ tục rườm rà”, ông Chinh nhìn nhận.

Chú thích ảnh
Thị trường nội địa đang có sức mua giảm và cần đẩy mạnh kích cầu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện WinCommerce, đơn vị vận hành hệ thống siêu thị WinMart cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu mở thêm 800 điểm bán mới trong năm 2025, hướng tới 8.000 điểm vào năm 2029. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp rất cần các chính sách hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các quy hoạch thương mại đã được phê duyệt, cần có cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ, nhất là hệ thống logistics tại các địa phương. Một hệ thống thương mại đồng bộ từ thành thị đến nông thôn sẽ giúp hàng hóa trong nước tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi hơn, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần được miễn, giảm các loại phí, đặc biệt là giảm tiền thuê đất, chi phí điện năng từ 20 - 25% nếu phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Bởi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách thuế, thuê đất... sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng ra ngoài các đô thị lớn và phát triển thị trường trong nước mạnh mẽ hơn. 

Trụ cột cho phát triển kinh tế

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, việc phát triển thị trường nội địa cần được xem là một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Để hiện thực hóa mục tiêu GDP tăng 8% trong năm 2025, khu vực thương mại - dịch vụ - bán lẻ cần tăng trưởng tối thiểu 12%. Đây là con số đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội để tái cấu trúc toàn ngành.

Vì vậy để phát triển thị trường nội địa, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng cần tập trung vào ba nhóm giải pháo chính: Tăng thu nhập và củng cố niềm tin tiêu dùng thông qua chính sách ổn định vĩ mô; Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và phát triển các mô hình kinh doanh hiện đại; Tái cấu trúc chuỗi cung ứng, phát triển các liên minh bán lẻ, thương mại điện tử mạnh để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Mặt khác, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát huy hiệu quả trong bối cảnh mới, các cơ quan chức năng cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng truyền cảm hứng thay vì chỉ mang tính hành chính, khẩu hiệu.

Theo ông Đức, người tiêu dùng hiện nay ngày càng khắt khe, nên sản phẩm nội địa muốn được lựa chọn cần đáp ứng kỳ vọng thực tế về chất lượng, thẩm mỹ, giá cả và đặc biệt là phải có mặt đúng lúc, đúng nơi.

Đại diện Bộ Công Thương ghi nhận các đề xuất từ doanh nghiệp và cho biết sẽ tổng hợp kiến nghị để trình lên cấp cao hơn, đồng thời đưa vào kế hoạch hành động cụ thể, bắt đầu triển khai ngay trong quý II/2025. Các nhóm giải pháp ưu tiên bao gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp phân phối nội địa; mở rộng hệ thống bán lẻ hiện đại và truyền thống; phát triển hạ tầng logistics; tăng cường kết nối cung - cầu giữa vùng sản xuất và các trung tâm tiêu dùng lớn.

Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, tiêu dùng nội địa không chỉ là lực đỡ quan trọng trong giai đoạn kinh tế khó khăn, mà còn đóng vai trò là động lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Khi bối cảnh quốc tế vẫn còn nhiều biến động, việc củng cố thị trường trong nước sẽ giúp tăng sức đề kháng và khả năng tự chủ của nền kinh tế Việt Nam trước những “cơn sóng lớn” toàn cầu.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa tạo động lực tăng trưởng kinh tế
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Hiện nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ở mức thấp so với trước dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN