Cửa ngõ trung chuyển hàng hóa
Lạng Sơn có 231,74 km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc; 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 9 cửa khẩu phụ cùng với hệ thống đường sắt, đường bộ rất thuận tiện. Đây là những lợi thế hết sức quan trọng để địa phương này phát triển kinh tế cửa khẩu và các dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp, thương mại điện tử và trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc và ngược lại...
Phương tiện chở hàng xuất khẩu di chuyển ra khu vực chờ thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Với tầm quan trọng ấy, Lạng Sơn đã tích cực hiện đại hóa trong hoạt động thương mại biên giới, nhất là thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại một số cửa khẩu. Năm 2022, sau nhiều nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng, tỉnh đã phát triển và đưa vào triển khai nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh (nay là đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị). Đến nay đã có gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên nền tảng cửa khẩu số, 100% xe hàng đều khai báo trực tuyến trên hệ thống trước khi vào cửa khẩu, thông tin được tiếp nhận và xử lý nhanh chóng, công khai, góp phần tăng cường công tác quản lý của các cơ quan nhà nước và hỗ trợ hiệu quả hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Hiện, tỉnh Lạng Sơn cũng đang tập trung triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trên cả nước với việc xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu độc lập, khép kín, tách biệt với tuyến vận chuyển truyền thống hiện nay. Mô hình này sẽ kết nối đồng bộ hạ tầng, cơ sở dữ liệu giữa hai nước, áp dụng vận chuyển không tiếp xúc, không gián đoạn với công nghệ không người lái trên tuyến cố định, cẩu container tự động hóa dựa trên định vị vệ tinh và 5G.
Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh được kỳ vọng hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Lạng Sơn với mục tiêu phấn đấu đến năm 2027 nâng cao năng lực thông quan gấp 2-3 lần so với thời điểm hiện nay; phấn đấu đến năm 2030 nâng cao năng lực thông quan gấp 4-5 lần so với thời điểm hiện nay. Song song với phát triển hạ tầng số, Lạng Sơn đã tăng cường triển khai hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics phục vụ thông quan hàng hóa thương mại. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 kho lạnh và 20 kho hàng khô, đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các dịch vụ kho bảo quản hàng hóa, các bến, bãi xe tại cửa khẩu cơ bản đã được đầu tư xây dựng đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật.
Lạng Sơn cũng huy động được các nguồn vốn xã hội từ các tổ chức, doanh nghiệp để đầu tư triển khai các dự án trong Khu Kinh tế cửa khẩu. Từ năm 2016-2023, tổng nguồn vốn xã hội đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn là hơn 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng dành nhiều nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối thông suốt với các tỉnh, thành phố trọng điểm như: Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, kết nối với đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B… Đây sẽ là cầu nối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh, tạo ra hành lang kinh tế xuyên Á, liên kết thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á…
Tháo gỡ khó khăn vướng mắc
Phải khẳng định rằng, những thuận lợi về vị trí địa lý cùng mối quan hệ hợp tác về kinh tế giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) chính là đòn bẩy thương mại biên giới giúp Lạng Sơn phát triển mạnh trong những năm qua. Để duy trì hoạt động xuất nhập khẩu luôn ổn định và hiệu quả, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn như biên phòng, hải quan, kiểm dịch, trung tâm quản lý cửa khẩu… đã có những phối hợp chặt chẽ để tổ chức thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, trong năm 2024, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các ngành, các lực lượng tổ chức 10 cuộc hội đàm, gửi 62 thư công tác tới các cơ quan ngang cấp, các cơ quan liên quan phía Quảng Tây, Trung Quốc để trao đổi, thống nhất các nội dung về tạo thuận lợi, thúc đẩy thông quan hàng hóa.
Ông Hoàng Khánh Duy - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn thông tin, qua công tác ngoại giao, các cơ quan chức năng hai bên đã thống nhất được nhiều biện pháp đẩy nhanh thông quan hàng hóa. Đơn cử như tăng thời gian thông quan; thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa; linh động quy trình kiểm tra, kiểm soát hàng hóa… Ngoài ra, đơn vị còn triển khai các giải pháp tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Là lực lượng trực tiếp giải quyết các thủ tục xuất nhập khẩu, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan; nhờ đó, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được rút ngắn, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Phùng Văn Ba cho biết, hiện 100% hàng hóa thông quan qua đơn vị đều thực hiện khai báo trên hệ thống cửa khẩu số. Chi cục thường xuyên tuyên truyền đến doanh nghiệp về lợi ích cửa cửa khẩu số và phân công các cán bộ có kinh nghiệm sẵn sàng và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong khai báo... Ngoài ra, Hải quan Hữu Nghị còn thường xuyên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng, cơ quan chức năng tại khu vực cửa khẩu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu…
Bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn, để hoạt động biên mậu luôn ổn định và tiếp đà tăng trưởng đó là sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Qua đó cùng chung tay xây dựng, phát triển thương mại biên giới, sớm hoàn thành những mục tiêu đưa cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành cửa khẩu kiểu mẫu, cửa khẩu Tân Thanh đóng vai trò là trung tâm thương mại nông nghiệp, là khu kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch quan trọng của tỉnh trong thời gian tới.