Tiến tới thương mại hóa 5G trong năm 2024

Ngày 26/12, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức tọa đàm “Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Mạng Vinaphone chính thức phát thử nghiệm thương mại 5G tại khu vực Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: TL

Từ năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G. Điều này có thể trở thành hiện thực là nhờ vào tầm nhìn của Chính phủ. 4G và 5G sẽ là dòng chủ lưu về công nghệ trong những năm tới đây. Trong đó, tỷ lệ sử dụng 4G sẽ giảm và 5G ngày một tăng dần. Xu thế của các nước trong khu vực là loại bỏ 2G và 3G để nhường dải tần số cho 4G và 5G.

Đến nay, Việt Nam đã thử nghiệm công nghệ 5G ở 55 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã chỉ rõ, năm 2024 sẽ là năm Việt Nam thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp.

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam cho biết: Công nghệ 5G đang là xu hướng tất yếu của thông tin di động thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. Việc chọn thời điểm năm 2024 để Việt Nam thương mại hoá 5G là rất phù hợp, không đi đầu nhưng cũng không quá muộn.

Để thương mại hoá 5G, việc đầu tiên Nhà nước cần làm là cấp phép sử dụng băng tần chính thức cho các doanh nghiệp để thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ. Cấp phép băng tần 5G phải thực hiện bằng hình thức đấu giá tần số.

“Mục tiêu quan trọng nhất là minh bạch quy trình để cấp phép sử dụng cho những doanh nghiệp đủ năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên quý hiếm này, đảm bảo cho thị trường thông tin di động phát triển tốt và cạnh tranh lành mạnh”, ông Đoàn Quang Hoan nêu quan điểm.

"So với 97 nước đã triển khai thương mại 5G thì Việt Nam có thể hơi chậm. Trong khu vực Đông Nam Á, một số nước như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia… cũng đã triển khai 5G. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu có ứng dụng, thiết bị giá thành hợp lý, có người dùng và đạt hiệu quả kinh tế thì điều này là hoàn toàn phù hợp. Để đồng bộ với sự phát triển, việc thúc đẩy 5G là cần thiết", ông Đoàn Quang Hoan chia sẻ.

Thông tin về kế hoạch đấu giá tần số cho 5G của Việt Nam, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện khẳng định: Hiện tại, các quy định pháp luật để triển khai đấu giá tần số 5G đã đầy đủ và hoàn thiện. Bộ TTTT dự định sẽ đấu giá trước băng tần tầm trung cho 5G và hiện nay Cục Tần số vô tuyến điện đang triển khai.

“Dự kiến tháng 1/2024, Bộ TT&TT sẽ công bố phương án tổ chức đấu giá băng tần để các doanh nghiệp nắm bắt và tham gia. Hy vọng cuộc đấu giá sẽ thành công tốt đẹp và kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024”, bà Vũ Thu Hiền thông tin thêm.

Nói thêm về lý do lựa chọn đấu giá trước với băng tần tầm trung, bà Vũ Thu Hiền cho hay: Giai đoạn đầu triển khai 5G, băng tần tầm trung là băng tần quan trọng nhất, sẽ giúp bổ trợ, giảm tắc nghẽn cho 4G. Cũng vì lý do này, Hiệp hội Di động toàn cầu cũng đã thống kê và đánh giá có 71% các mạng 5G trên thế giới đã triển khai ở băng tần tầm trung.

XC/Báo Tin tức
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu 2023
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu 2023

Ngày 26/12 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN