Tiền Giang hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh

Ngày 28/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành công văn số 6526 về việc hướng dẫn thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Thời gian áp dụng từ ngày 1/11/2021.

Chú thích ảnh
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Theo đó, doanh nghiệp được lựa chọn, quyết định việc thực hiện và chịu trách nhiệm các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo ba phương án sau: Tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày; “3 tại chỗ”; kết hợp “3 tại chỗ” và đi, về hàng ngày.

Doanh nghiệp chỉ được hoạt động theo một trong các phương án nêu trên khi đáp ứng đầy đủ tiêu chí thể hiện trong phương án sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp phải được tiêm 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 không quá 6 tháng và cư trú ở vùng cấp độ 1, cấp độ 2 (quy mô cấp xã). Trường hợp đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền xem xét và chịu trách nhiệm việc cho phép doanh nghiệp sử dụng người lao động tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đã qua 14 ngày.

Đối với việc di chuyển trong nội tỉnh, người lao động phải đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, di chuyển đến nơi làm việc bằng phương tiện cá nhân hoặc bằng phương tiện đưa đón tập trung do doanh nghiệp bố trí, sắp xếp.

Đối với di chuyển liên tỉnh, người lao động sẽ được bố trí bằng phương tiện đưa đón tập trung. Việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân của người lao động được thực hiện khi có văn bản thông báo của Ủy ban nhân dân tỉnh với các tỉnh, thành phố liên quan.

Người lao động trước khi trở lại doanh nghiệp làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR (mẫu gộp hoặc mẫu đơn) trong vòng 72 giờ.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang hiện có 76/186 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được phê duyệt và đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với trên 17.000 lao động.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 739 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh quy mô dưới 50 lao động/cơ sở đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch đã được hoạt động trở lại khi Tiền Giang bắt đầu tháo dỡ chốt kiểm soát, khôi phục dần hoạt động sản xuất - kinh doanh sau ngày 15/10.

Trước đó, ngày 27/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn trực tuyến về kỹ thuật lấy mẫu test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế, người lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Qua đó, giúp các đơn vị có thể triển khai test nhanh cho người lao động nhằm tầm soát nguy cơ lây nhiễm trong đơn vị.

Hữu Chí (TTXVN)
Giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh?
Giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh?

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cộng thêm giãn cách xã hội kéo dài đã khiến hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, nguồn lực ngân hàng, tài chính quốc gia lại có hạn. Hiện tại, giải pháp xây dựng Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp đang được một số chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng có nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN