Đại biểu nhận định thế nào về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ nay đến cuối năm?
Thường theo thông lệ GDP quý IV sẽ có đột phá, cao hơn những quý trước. Với Việt Nam, quý I và II giải ngân rất chậm vì đầu năm phải làm hồ sơ, tổ chức đấu thầu, trúng thầu mới được triển khai. Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 9, tăng trưởng GDP đạt 6,98%, trong khi đó giải ngân đầu tư công mới có 49%.
Như vậy, quý IV sẽ giải ngân ào ạt và vấn đề vốn sẽ quyết định vấn đề tăng trưởng. Đáng lưu ý, mặc dù năm nay Chính phủ khiêm tốn đặt mục tiêu đạt 6,8% nhưng tôi nghĩ GDP năm 2019 sẽ đạt trên 7%.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam tăng trưởng cao 6,21%, 6,81%, 7,08% tương ứng với các năm 2016, 2017, 2018.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để Việt Nam bứt phá mạnh hơn và thu hẹp dần khoảng cách với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và vượt qua được Philipines về thu nhập bình quân trên đầu người.
Điều này sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn trên nền tảng phải giữ được tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Nhưng, muốn làm được đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cố gắng hơn nữa.
Đặc biệt, điểm nghẽn nhiều nhất vẫn là vấn đề thể chế và cần hoàn thiện đồng bộ để đem lại sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện đầu tư công mới giải ngân được 49%, trong khi chỉ còn 1 quý nữa là hết năm. Vậy, theo đại biểu có giải ngân kịp hay không?
Thường ngân sách cho phép lấn sang năm sau từ 1 - 2 tháng nên tốc độ giải ngân có thể đạt trên 90% và các dự án đầu tư công thường liên quan đến vấn đề giao thông, an sinh xã hội. Chính vì vậy, phải cân nhắc đến đầu tư phát triển ưu tiên cho các bệnh viện.
Hơn nữa là vấn đề giao thông đô thị. Khách du lịch đến Việt Nam gặp tắc đường nhiều sẽ cảm thấy khó chịu và khó có cơ hội quay lại lần thứ 2. Do đó, nên chú trọng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành.
Ngoài ra, đối với đường bộ cao tốc Bắc - Nam dù các doanh nghiệp có năng lực nhưng lại thiếu vốn. Nhiều ngân hàng hiện cân nhắc cho vay vì e ngại rủi ro bởi thực tế có một số trạm BOT không thu được phí.
Vì thế, nếu muốn có vốn phải cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.
Theo tôi, Chính phủ đã thẩm định yếu tố kỹ thuật khi doanh nghiệp tham gia đấu thầu, biết được doanh nghiệp là ai thì có thể bảo lãnh cho doanh nghiệp để phát hành trái phiếu. Từ đó, sẽ có được nguồn vốn cho doanh nghiệp chủ động làm đường cao tốc Bắc - Nam.
Theo đại biểu, tình hình kinh tế thế giới, trong nước năm 2020 sẽ có những thuận lợi khó khăn gì tác động đến kinh tế Việt Nam?
Việt Nam có độ mở lớn nên sẽ chịu ảnh hưởng trước những biến động của thế giới như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù đã có sự thỏa thuận nhưng đến năm 2020 chưa biết trước được việc gì sẽ xảy; vấn đề Brexit vẫn căng thẳng tác động tới châu Âu. Do diễn biến thế giới không thuận lợi nên nội lực trong nước rất quan trọng.
Chính vì thế, với dân số 97 triệu dân chúng ta phải quan tâm tới thị trường trong nước. Để cung ứng hàng hóa ra thế giới, trước hết người Việt Nam phải tin hàng Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt để đáp ứng thị trường.
Đặc biệt, Việt Nam đang có điều kiện để phát triển, nên việc tăng trưởng trên 6,5% bình quân trong năm tới là điều hoàn toàn có thể đạt được.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,8 - 6,9% trong năm 2020. Theo đại biểu đâu là động lực từ nay đến cuối năm và năm 2020?
Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng vì đã có thời gian tăng trưởng rất cao như giai đoạn 1992-1997 khi chưa xảy ra khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Nam Á. Lúc đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam từ 8,5 - 9%.
Ngoài ra, năm 2002-2007 trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính 2008, kinh tế Việt Nam cũng duy trì ở mức 7,5 - 8%.
Với nguồn nhân lực cần cù lao động, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trên nền kinh tế vĩ mô ổn định, tôi cho rằng đây là điều cơ bản để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng năm 2020.
Mặt khác, Chính phủ thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ban hành những nghị quyết dành cho kinh tế tư nhân sẽ thu hút được vốn từ các doanh nghiệp trong nước và luồng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đến với Việt Nam.
Do đó, Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Cùng đó, cộng với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, 3 khu vực tư nhân, ngước ngoài và trong nước sẽ tạo ra động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Hơn nữa, trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc người Việt Nam sử dụng Internet và các tài khoản mạng xã hội nhiều là động lực giúp kết nối và tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, người Việt Nam cũng rất thông minh nên các sản phẩm trí tuệ chắc chắn sẽ tiếp sức cho sự phát triển này.
Xin cảm ơn ông!