Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2022. Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Ngoài ra, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.
Tại Diễn đàn "Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi sống và phát triển bền vững" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trịnh Thị Hương cho biết: Hiện nay, chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã được ban hành khá đầy đủ, đồng thời đã xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số, xây dựng và triển khai đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cho chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, cũng như triển khai hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp về chuyển đồi số.
"Đến nay, có hơn 13.800 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số, gần 400 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số. Mạng lưới hơn 120 tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp, tư vấn, đào tạo chuyển đổi số được sàng lọc, thành lập, đào tạo và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp...", bà Trịnh Thị Hương thông tin.
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau khi có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Nghị quyết 98 của Quốc hội... các cơ chế, chính sách đã bao phủ hơn về ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo (so với trước đây tập trung ưu đãi theo ngành nghề và địa bàn đầu tư).
Đại diện NIC nhấn mạnh, việc quy định ưu đãi đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo do doanh nghiệp thành lập là một bước tiến lớn trong chính sách. Các ưu đãi cho cá nhân (chuyên gia, người lao động trong các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) bước đầu được quan tâm, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vồn, về cơ chế thí điểm (sandbox) cho đổi mới sáng tạo đã được quan tâm hơn và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn để này đang được nghiên cứu, sửa đổi.
Từ thực tiễn doanh nghiệp ngành Dược, ông Vương Đình Vũ - Giám đốc BuyMed, Hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết ngành Dược đang cung cấp nền tảng số và hạ tầng kỹ thuật giúp giải quyết triệt để vấn đề phân mảnh, chuyển đổi sang mô hình phân phối mới và đầu tư vào năng lực chuyển giao, đồng thời, số hóa quy trình và đẩy mạnh phân phối trực tuyến. Nhờ đó, ngành Dược đã giúp các khách hàng tiếp cận khoảng hơn 30.000 nhà thuốc và phòng khám, tiết kiệm 75% thời gian, 80% vốn lưu động và 50% chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoa học và công nghệ vẫn chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, khi đưa các sản phẩm khoa học và công nghệ ra thị trường. Một bộ phận lớn doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, kết quả chưa cao.
Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 97% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong DNNVV còn gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Phan Thanh Hà cho biết: Để thúc đẩy doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng thực hiện đổi mới sáng tạo, Quỹ đang hỗ trợ các nhóm đối tượng sau: DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị. Hiện nay, Quỹ đang hỗ trợ các DNNVV theo 4 hình thức: Cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp, tài trợ vốn, hỗ trợ tăng cường năng lực.
Nhìn từ góc độ truyền thông chính sách, bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh đến sự cần thiết của chuyền đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong hoạt động truyền thông chính sách.
"Nhà nước cần tạo điều kiện về chính sách để doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào hoạt động truyền thông chính sách và phát triển các công nghệ nền tảng để lưu trữ, khai thác, phổ biến và phát triển dữ liệu truyền thông chính sách. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với các vườn ươm, các doanh nghiệp công nghệ số, nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực truyền thông chính sách, nhất là trong sản xuất sản phẩm truyền thông, chuyển giao công nghệ truyền thông...", bà Nguyễn Thy Nga kiến nghị.
Ngày 11/5/2022, Thủ tưởng Chỉnh phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đôi mới sáng tạo đến năm 2030. Trong đó, đặt ra mục tiêu nâng cao đóng góp của khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp.