Thức ăn chăn nuôi kém chất lượng: Người chăn nuôi “méo mặt”

Bên cạnh tình trạng thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá, tình trạng thức ăn chăn nuôi bị pha thêm tạp chất cho đủ trọng lượng cũng khiến nhiều chủ nuôi “méo mặt”.

Sản xuất gian dối


Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã lấy 70 mẫu thức ăn chăn nuôi trên thị trường để phân tích. Kết quả cho thấy 17% số mẫu có hàm lượng protein thấp hơn so với công bố chỉ tiêu chất lượng (tăng 12,2% so với năm 2010), 16,7% mẫu có chỉ tiêu phốtpho thấp hơn so với công bố (tăng 7,1% so với năm 2010).

Phát triển chăn nuôi gia cầm theo chương trình an toàn sinh học ở tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Trong khi đó, hàm lượng tạp chất và kim loại lại nhiều hơn mức cho phép. Cụ thể 25% mẫu có chỉ tiêu cát sạn vượt quá mức cho phép và 25% số mẫu kiểm tra có hàm lượng As (Asen) vượt quá mức cho phép (tăng 13,3% so với năm 2010).

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, làm như vậy là người sản xuất đã lừa gạt người Chăn nuôi, gian dối thương mại. Đặc biệt, nếu người sản xuất pha trộn thêm các chất kích thích, các chất tăng trọng vào thức ăn thì còn nguy hiểm hơn.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Khi mà giá đầu vào cao như hiện nay, có cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi không tăng giá nhưng họ ăn bớt các chỉ tiêu dinh dưỡng như đạm, năng lượng... hoặc đưa các chất cấm vào thức ăn để tạo tăng trọng giả. Việc này gây thiệt hại cho người chăn nuôi”.

Ông Lịch ví dụ, hàm lượng protein là 17% nhưng thực tế chỉ có 15 – 16% thì mỗi kg thức ăn chăn nuôi, người mua đã thiệt hại 200 – 300 đồng. Với các trang trại nuôi lớn, tiêu thụ hàng tấn thức ăn mỗi ngày thì số tiền thiệt hại lên tới cả triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 12 – 14%. Do vậy, nếu người chăn nuôi còn mua phải thức ăn kém chất lượng thì chi phí sẽ bị đội lên rất nhiều.

Theo các chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội), các hộ chăn nuôi chỉ biết thử thức ăn bằng hệ số FCR (tỷ lệ chuyển hóa thức ăn, tức là hao tổn thức ăn/1kg thịt). Tuy nhiên, chỉ số FCR ở Việt Nam là con số ước tính chứ chưa chính xác. Hơn nữa, các trang trại lớn có thể tự lấy mẫu kiểm tra, nhưng với những người chăn nuôi nhỏ lẻ thì họ không thể tự kiểm tra được. Mà số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm số đông ở nước ta.

Liên tục kiểm tra đột xuất

Theo Cục Chăn nuôi, hiện cả nước có hơn 230 nhà máy, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, có khoảng 45% số cơ sở chế biến thức ăn tập trung ở khu vực phía Bắc.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc để cho thức ăn chăn nuôi bị pha thêm tạp chất là do hệ thống quản lý thức ăn chăn nuôi ở các địa phương không đồng bộ.

Thực tế, cả nước còn tới 33 tỉnh chưa có phòng chuyên môn về chăn nuôi và cán bộ chuyên trách về thức ăn chăn nuôi. Hơn nữa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý thức ăn chăn nuôi chưa đầy đủ.

Ông Giao ví dụ, chưa có văn bản quy định rõ ràng danh mục các chất kháng sinh được phép sử dụng làm thức ăn bổ sung trong thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, cần hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Trước mắt, để kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng, các địa phương, cụ thể là phòng chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp các tỉnh phải phải tăng cường kiểm tra, lấy mẫu đột xuất các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, phải công bố những doanh nghiệp làm ăn gian dối để người dân phòng tránh.

Theo ông Giao, bên cạnh việc đăng tải công khai các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, cũng nên thông báo cả các cơ sở sản xuất tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân lựa chọn.

V.H



 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN