Theo đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, hiện nay, Việt Nam còn nhiều khó khăn trong phát triển năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để giải quyết những khó khăn, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ các phương án; trong đó, có phương án xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời. Đặc biệt, Bạc Liêu là tỉnh tiên phong trong việc phát triển các dự án điện gió, điện khí, cũng như đang xúc tiến triển khai xây dựng nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định: Chuyến công tác này nhằm xem xét, khảo sát để có các giải pháp giúp tỉnh Bạc Liêu đẩy nhanh tiến độ các dự án trong lĩnh vực năng lượng; trong đó, trọng tâm là dự án điện gió, điện khí.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, sau khi Chính phủ cho phép rút nhà máy nhiệt điện Cái Cùng khỏi Quy hoạch điện VII, thì dự án nhà máy điện khí LNG là nhà máy điện khí đầu tiên được đầu tư xây dựng do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện và địa phương đề xuất. Đặc biệt, khi nhà máy triển khai và đưa vào hoạt động sẽ góp phần rất tốt việc đóng góp vào nguồn năng lượng Quốc gia.
Chính vì vậy, Thứ Trưởng Bộ Công Thương đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên trực thuộc Bộ quan sớm hoàn thành các hồ sơ, báo cáo khả thi theo tiến độ và hoàn thành các thỏa thuận khung về mua bán điện.
Thứ Trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai và vận hành dự án một cách thuận lợi nhất.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu Phan Văn Sáu cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với tổng công suất 3.200 MW, tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng và hoàn thành cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Dự án sẽ hoàn thành việc chuẩn bị đầu từ vào cuối tháng 12/2020 và công tác thực hiện đầu tư vào tháng 12/2027 đúng theo tiến độ xác định trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Đồng thời, tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đất để xây dựng Tổ hợp nhà máy phát điện trên bờ được đặt tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình với diện tích 40 ha và xác định vị trí tổ hợp kho cảng LNG nằm trên vùng biển Tỉnh Bạc Liêu với 100 ha và cách vị trí nhà máy điện 35km.
Chủ đầu tư dự án Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) đang khẩn trương thực hiện các công tác chuẩn bị đầu từ theo đúng cam kết, quy định trong quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đến chưa bị chậm tiến độ theo dự kiến.
Cũng theo ông Phan Văn Sáu, theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến 2020 – 2030, các dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và 2 với quy mô công suất 99,2 MW. Dự án đầu tư hoàn thành năm 2016, đến nay đã phát lên lưới điện Quốc gia trên 1 tỷ KWh với giá bán điện là 9,8 Uscents/KWh. Các dự án đã khởi công gồm 3 dự án như nhà máy điện Hòa Bình 1 – giai đoạn 1, đang triển khai thi công móng trụ tua bin, đường dây 110 KV và Nhà máy điều hành, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động vào quý II/2020.
Nhà máy điện Đông Hải 1 giai đoạn 1 khởi công ngày 1/6/2019 đã hoàn thành 5/13 trụ tua bin, đang triển khai thi công đường dây 110 KV và nhà điều hành. Hiện nay, chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự kiến phát điện thương mại đợt 1 vào tháng 11/2020.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 khởi công ngày 30/1/2018 đang hoàn thành hồ sơ thiết kế theo điều chỉnh gam công công suất tua bin gió từ 2 MW lên 3 MW và cấp điện áp trạm biến áp từ 22/220 KV thành 35/220 kV và điều chỉnh tuyến đường dây 220 kV. Dự kiến hoàn thành đóng điện trước tháng 11/2021.
Các dự án chuẩn bị khởi công như dự án nhà máy điện gió Đông Hải 2 giai đoạn 1 đã có quyết định chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư đang tập trung triển khai hoàn thành thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong tháng 6/2020, hoàn thành đóng điện trước tháng 11/2021. Các dự án điện gió đã trình bổ sung quy hoạch trong thời gian qua tỉnh đã tích cực phối hợp với các chủ đầu tư, Cục điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) hoàn thành hồ sơ bổ sung quy hoạch 19 dự án điện gió với tổng công suất là 4.608,6 MW.
Giám đốc Sở Công Thương Bạc Liêu cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị trong ngành và phối hợp với cơ quan có các giải pháp thích hợp, hiệu quả để tránh rủi ro gây chậm trễ cho các dự án. Ngoài ra, EVN cũng đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn định hướng về nội dung hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ ký kết với chủ đầu tư dự án, làm cơ sở để EVN bắt đầu đàm phán...
Cũng tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho rằng, Bạc Liêu là một tỉnh còn nghèo, thu ngân sách còn thấp, vì vậy tỉnh xem dự án điện gió, điện khí là giải pháp mở ra hướng đi mạnh cho Bạc Liêu phát triển kinh tế, xã hội.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Bạc Liêu đặc biệt quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ các vướng mắc đến việc triển khai dự án, điện gió, điện khí; trong đó, tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm giúp các nhà đầu tư giải phóng mặt bằng sớm nhất để thi công các dự án và thi công các đường truyền tải.
Chủ tịch UBND tỉnh cam kết với các nhà đầu tư sẽ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo cơ chế tốt nhất cho các dự án nhà máy điện gió, điện khí, đồng thời kiến nghị các bộ ngành Trung ương sớm xem xét tháo gỡ kịp thời cho các nhà đầu tư.
Đồng thời, ông Dương Thành Trung cũng mong muốn, các nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với tỉnh để triển khai dự án đúng tiến độ đã cam kết với tỉnh để dự án sớm đưa vào vận hành theo kế hoạch. Từ đó, góp phần bổ sung vào nguồn điện quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước; đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ giúp Bạc Liêu trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh…