Theo Bộ Tài chính, dù số thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán nhưng số thu hàng tháng có xu hướng giảm (thu tháng 1 đạt 14,7%; tháng 2 đạt 7,7%; tháng 3 đạt 8,9%; ước thực hiện tháng 4 đạt 8,6% dự toán). Trong số đó, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu nội địa 4 tháng bằng khoảng 88,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Tài chính cũng cho biết, có 8/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (ước đạt trên 34% dự toán); trong đó, thu từ 3 khu vực kinh tế (chiếm 53,3% dự toán thu nội địa) ước đạt 42% dự toán, tăng 2,4% so cùng kỳ, tuy nhiên nếu loại trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, số thu của 3 khu vực này giảm 8,5% so cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 42,4% dự toán; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 49,2% dự toán.
Bên cạnh đó, có 4 khoản thu tiến độ đạt thấp so dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường chủ yếu do thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các loại phí, lệ phí; các khoản thu về nhà, đất...
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 4 tháng đạt trên 38% dự toán; 16/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 47 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Bộ Tài chính cũng cho hay, chi cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 500,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2022.
Bộ Tài chính nhận định, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 4 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Đồng thời, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.