Thớt - chày- cối đi...Tây

Dọc con đường đi vào làng Phú Long, ấp Hòa Long, thị trấn Lái Thiêu (huyện Thuận An, Bình Dương) nhà nào trước sân cũng chất cao những thân gỗ tròn, to. Trong nhà, tiếng ken két của máy cưa, máy tiện hòa vào nhau tạo nên một không khí rộn ràng. Đó là làng chuyên sản xuất các mặt hàng thớt, chày, cối... phục vụ cho các bà nội trợ. Không chỉ bán hàng trong nước, các mặt hàng này giờ đây còn được xuất khẩu sang Philíppin, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia và cả các nước châu Âu.


Nghề cha truyền con nối


Phủi nhanh những mạt cưa đang bám trên quần áo, ông Nguyễn Văn Năng, chủ cơ sở thớt Năng Lực, cười và bảo: “Đợi tôi một lát, sắp tiện xong cái chày rồi”.Ông Năng đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm thớt và chày, cối này. “Người đầu tiên sáng lập ra làng nghề này là ông Hai Thớt. Người ta gọi vậy để nhớ cái nghề do ông sáng lập, chứ tên gọi thân mật của ông là Hai Thiệt. Ban đầu, tận dụng những khúc gỗ thừa của những xưởng mộc quanh làng, ông Hai mang về nhà đẽo, gọt lại làm thớt dùng trong nhà. Dần dà, ông làm thớt bán cho người dân trong vùng. Ông dạy lại nghề cho mấy người con, rồi họ cũng theo nghề này luôn. Thấy nghề này sống ổn định hơn nghề trồng lúa, bà con tới xin học nghề. Vậy là thành làng nghề cho tới giờ. Làng nghề khởi điểm vào khoảng cuối những năm 1960 đầu những năm 1970. Khi ấy, làng chỉ có 3 cơ sở, nhưng đến giờ có 6 cơ sở lớn và khoảng 5 hộ gia đình làm thủ công nhỏ lẻ tập trung thành một cụm quanh khu phố Hòa Long”, ông kể.

Công nhân tiện cối .


Muốn có một tấm thớt như ý, theo ông Năng, phải chọn loại gỗ xà cừ vì khi bào thớt sẽ có đường vân đẹp và không bị nứt khi gia công. Gỗ thường lấy từ các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương. Gia đình ông có 4 anh em, tất cả đều theo nghiệp làm chày, thớt. Các con ông cũng đang theo nghề này. Anh Nguyễn Văn Lực, con trai lớn của ông cho biết: “Cái chày, tấm thớt giúp cha nuôi anh em tôi khôn lớn. Tôi cũng muốn phát triển nghề này để nối nghiệp cha”.

Một công nhân đang bào thớt.


Còn với gia đình bà Lê Thị Hòa – chủ cơ sở thớt, cối, chày Phương Quang, đời sống gia đình bà đã có rất nhiều thay đổi khi quyết tâm theo và phát triển cái nghề cha ông để lại. “Ngày xưa, khi còn khó khăn, chồng tôi chỉ học đến hết lớp 7 rồi phải nghỉ để phụ giúp gia đình tiện cối, thớt. Sau này ông nối nghiệp cha, vay vốn ngân hàng khoảng 200 triệu đồng, hùn vốn cùng 3 người bạn nữa mở cơ sở lớn. Thế nhưng vẫn chưa đủ, anh em hai bên nội ngoại phải góp thêm mỗi người một ít giúp ông mở cơ sở, thuê nhân công, mua máy cưa, máy tiện… Khi đã đủ lực, mỗi người tách ra lập cơ sở riêng và làm ăn phát đạt”- bà Hoà cho biết. Cũng nhờ nghề này, gia đình đã nuôi hai con ăn học tới nơi tới chốn. Một người đã tốt nghiệp đại học và nối nghiệp cha. Hiện anh là thợ máy chính trong xưởng, còn người em thì đang theo học ở một trường cao đẳng. Bà cho rằng, đây là điều mà không mấy ai trong họ hàng làm được từ trước tới giờ.


Đổi mới cùng công nghệ


Đi quanh các cơ sở sản xuất, tiếng máy cưa, máy tiện ào ào át đi tiếng nói chuyện của chúng tôi. Anh Lê Mộng Hà – người có thâm niên 6 năm, cho biết nhờ có máy móc mà mọi công đoạn đều làm nhanh hơn nhiều. Khi chưa có máy cưa phải cưa tay, rất tốn công sức mà năng suất thấp. Một cơ sở khoảng 20 người làm chỉ được 300 thớt/ngày nhưng với sự hỗ trợ của máy thì nay đạt 2.000 thớt/ ngày.


Để làm ra một cái thớt, phải qua 20 công đoạn và mất 4 tháng từ khi cây gỗ được đốn hạ. Đầu tiên, thân gỗ được đưa vào máy cưa cắt thành hình tròn theo độ dày quy định để tạo những chiếc thớt thô, sau đó đem vào sấy. Đây là quy trình quan trọng nhất vì gỗ có được sấy khô thì mới làm các công đoạn khác được. Thời gian sấy là 15 ngày, trong quá trình sấy phải điều tiết ngọn lửa theo những giai đoạn khác nhau: 5 ngày đầu, đốt củi cho lửa lớn sao cho nhiệt độ đồng hồ đo nhiệt, đặt ngay phía ngoài lò chỉ 150 độ, và 10 ngày sau, nhiệt độ là 50 độ. Tiếp theo, thớt đem qua máy bào để bào nhẵn mặt và dùng khuôn tròn để định hình, sau đó dùng máy cưa lọng tròn để cắt bỏ phần dư thừa. Lúc này, thớt cơ bản được hoàn thành. Khâu cuối cùng là sơn màu và đóng gói được làm thủ công.


Với chày cối, khi chưa có máy tiện, mọi người phải dùng dao tiện bằng tay. Thợ lành nghề phải mất khoảng 5 phút mới định hình xong một sản phẩm, nhưng bây giờ dùng máy thì chỉ cần 1 phút. Anh Lê Thanh Hải (có 18 năm làm nghề), vừa lau những giọt mồ hôi trên trán vừa nói: “Dùng máy làm vừa nhanh lại đỡ mất sức hơn rất nhiều, nhờ vậy mà thành phẩm nhiều hơn, thu nhập tăng hơn”.


Và đi Tây...


Ngày trước, từ sáng tới chiều tối, các bạn hàng đến lấy mỗi người năm ba chục tấm thớt chở đi các chợ trong tỉnh, hoặc xuống tận chợ Bà Chiểu (TP.HCM) để bán. Thương lái ở miền Tây thì 1-2 tháng họ đi một chuyến. Thương lái ở miền Trung thì một năm đi dăm ba chuyến. Nhờ vậy mà đâu đâu cũng biết làng nghề làm thớt này. Sau này, không chỉ có bạn hàng trong nước mà các cơ sở sản xuất ớ đây còn xuất hàng sang Philíppin, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia và cả các nước châu Âu.


Ông Năng cũng từng đưa hàng sang các nước Đông Nam Á, cho biết: “Bạn hàng yêu cầu rất cao: Thớt phải sấy kỹ hơn, khoảng 17- 20 ngày, vân gỗ trên thớt phải đều. Nếu mình tiện ẩu, mặt thớt không phẳng là bị trả hàng lại liền. Mình có uy tín, họ mới ký hợp đồng”. Hiện tại, làng có một cơ sở chuyên sản xuất thớt xuất khẩu, không bán nội địa đó là Công ty Gốm mỹ nghệ Phú Long. Mỗi ngày cơ sở xuất đi hàng ngàn tấn thớt. Loại thớt được bạn hàng ưa chuộng đó là thớt tròn (chiếm khoảng 90% thành phẩm so với loại thớt vuông) làm bằng gỗ xà cừ. Vì thớt làm bằng gỗ xà cừ sấy không bị vênh, chịu lực, giá thành rẻ mà dùng lại bền.


“Số lượng năm nay tiêu thụ chậm hơn năm ngoái. Tháng vừa rồi doanh thu bị tụt xuống khoảng 50%. Nhưng cái nghề này nó là như vậy. Có những năm còn thê thảm hơn thế nữa. Đã là làng nghề thì quyết không bỏ nghề, chỉ có chìm và nổi mà thôi. Chìm lắng một thời gian thì cũng nổi lên. Cả nước chỉ có một làng nghề chuyên làm thớt chất lượng như Phú Long. Người ta có học nghề rồi mang cái nghề này về xứ như ra tận miền Trung thì rồi cũng không bán được, lại quay về làng nghề ấy mà thôi. Vùng đất này như có thổ công, thổ địa đã giúp níu kéo nghề truyền thống cho riêng cái làng ở Lái Thiêu này” – ông Năng nói.


Chính sự cẩn thận và tỉ mỉ trong quá trình làm việc đã đem lại cuộc sống ổn định cho người dân nơi đây. Những ngôi nhà khang trang được xây lên ngày càng nhiều, máy móc các cơ sở sản xuất cũng được nhập mới. Anh Nguyễn Văn Quang có 4 năm làm việc tại cơ sở của ông Năng, cho biết: “Nếu như đi làm đều đặn, mỗi tháng tôi có thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng, cuộc sống gia đình ổn định và tốt hơn trước rất nhiều”.

Bài và ảnh: Khánh Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN