Trong khi các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang cố cạnh tranh quyết liệt để có những đơn hàng xuất khẩu từ các đối tác Mỹ, châu Âu… thì thị trường đầy tiềm năng trong nước lại hầu như bị bỏ ngỏ. Thị trường nội địa hiện vẫn là “khoảng trống” của ngành gỗ nước ta.
Chưa quan tâm đúng mức
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest) cho biết, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam năm 2011 đạt mức 4,1 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 30%. Đây là một con số ấn tượng với ngành gỗ. Nhưng đối lập với việc xuất khẩu gỗ là tình trạng yếu thế ở thị trường tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp gỗ Việt. Đó là một nghịch lý trong bối cảnh Việt Nam đang vươn lên trở thành một trong những nhà cung cấp đồ gỗ và nội thất lớn trên thế giới.
Sản xuất bàn ghế ngoài trời xuất khẩu tại Công ty TNHH Hoàn Vũ (Khu công nghiệp Quảng Phú, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Long - TTXVN |
Thực tế, thị trường trong nước đang bị các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, Malaixia, Đài Loan “làm mưa làm gió”. Kết quả một số cuộc điều tra, khảo sát thị trường cho thấy, chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, còn lại 80% thuộc về các sản phẩm của các doanh nghiệp Malaixia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan...
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Vietforest, thị trường gỗ nội địa với nhu cầu tiêu dùng của gần 90 triệu dân ở nước ta là rất rộng và tiềm năng, ước tính khoảng 1 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, “lâu nay các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và ngay cả cơ quan quản lí lĩnh vực này mới chỉ tập trung cho xuất khẩu mà chưa quan tâm đúng mức thị trường nội địa. Bằng chứng là cho tới nay, chúng ta vẫn chưa có một thống kê cụ thể về lượng sản phẩm gỗ tiêu thụ trong nước hàng năm; nguyên liệu chính là loại gỗ gì, lấy từ đâu và chính sách để phát triển thị trường gỗ nội địa vẫn còn thiếu”, ông Quyền cho biết.
Và điều đáng buồn là chúng ta bỏ ngỏ thị trường trong nước nhưng lại phải nhập đồ gỗ về tiêu dùng. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, hiện nay, thị trường gỗ nội địa đang thiếu hẳn hệ thống kênh phân phối một cách hoàn chỉnh, các cơ sở bán buôn và bán lẻ đều phải tự sản tự tiêu.
Nói một cách cụ thể hơn, thị trường gỗ trong nước thường do doanh nghiệp nhỏ, thậm chí “thợ làng” cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng. “Vì không có kênh phân phối nào nên không biết chính xác làm ra cái bàn đó bao nhiêu tiền và người mua với giá bao nhiêu. Còn các doanh nghiệp lớn mải mê cho xuất khẩu nên chỉ chú ý đến sản phẩm gỗ ngoại thất, trong khi do đặc thù khí hậu tại Việt Nam và thói quen tiêu dùng thì thị trường nội địa chủ yếu là tiêu thụ đồ gỗ nội thất”, ông Quyền nói.
Lấy lại thị trường bằng cách nào?
Theo ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nguyên nhân chính khiến đồ gỗ giá thấp của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam là do chính các doanh nghiệp trong nước ít chủ động sản xuất phục vụ thị trường nội địa.
Dù là quốc gia xuất khẩu gỗ lớn nhưng phần lớn các doanh nghiệp lại làm theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu nước ngoài, mà các nước phát triển thì lại tiêu thụ hàng trung và cao cấp, làm từ nguyên liệu gỗ tốt. Do vậy, doanh nghiệp trong nước không quen tự tìm hiểu thị trường nội địa và sản xuất đồ gỗ cho thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, phân tích thị trường phải được đặt lên hàng đầu. Để lấy lại thị trường nội địa, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Vietforest cho rằng, trước mắt, cần thiết lập được hệ thống kênh phân phối bài bản và rộng khắp để đảm bảo vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Một yếu tố quan trọng nữa là Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường gỗ nội địa.
Hiện nay, thuế xuất khẩu đồ gỗ là 0% trong khi đó đồ gỗ nội địa lại phải chịu nhiều loại thuế như thuế môn bài, thuế tiêu thụ doanh nghiệp… Rõ ràng, nếu xác định được tương quan thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ có những cơ chế đúng đắn để phát triển lành mạnh các thị trường.
Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ cũng phải tìm cách thay đổi mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Trong đó, “chú ý chuyển hướng từ đồ gỗ cao cấp sang phân khúc hàng trung bình và liên kết giữa các doanh nghiệp theo từng công đoạn để tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm”, ông Quyền nói.
Còn theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, nếu muốn “thâm nhập” mạnh vào thị trường trong nước, việc xây dựng kênh phân phối bài bản là điều kiện đầu tiên. Hiện số doanh nghiệp nội thất trong nước có thể đáp ứng yêu cầu này không nhiều, bởi phải thực sự tâm huyết khai thác tiềm năng thị trường và khả năng trường vốn mới làm được.
HV