Theo quan sát của phóng viên tại công trường, do thời gian ngừng thi công kéo dài nên chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu cho công nhân làm vệ sinh lại hệ thống máy móc, thiết bị. Trên 2 trụ chính P19 và P20 của cầu Bình Khánh, cán bộ, kỹ sư của nhà thầu và tư vấn giám sát đang cho kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật của xe đúc hẫng.
Đại diện nhà thầu thi công gói thầu xây lắp J1 là Liên danh Shimizu Corporation – Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật Vinaconex (Liên danh Shimizu – Vinaconex E&C) cho biết, công đoạn kiểm tra lại thiết bị máy móc trên công trường, đặc biệt là máy móc thiết bị thi công trên cầu sẽ được kiểm tra kỹ đảm bảo kỹ thuật và an toàn trước khi đưa vào vận hành thi công. Dự tính công đoạn này sẽ hoàn thành giữa tháng 5, sau đó sẽ cho khởi động lại việc thi công gói thầu.
Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam thuộc VEC cho hay, sáng 28/4 vừa qua, trên công trường gói thầu J1 cán bộ, công nhân viên nhà thầu đang thực hiên kiểm tra hiện trạng trên công trường cũng như máy móc.
Đây là tín hiệu rất vui cho việc khởi động thi công gói J1 cũng như toàn dự án. Nếu thuận lợi sẽ khởi động lại việc thi công gói J1 trong tháng 6 tới.
Cũng theo ông Đặng Hữu Vị, ngày từ tuần đầu tháng 5, sau khi hoàn thành tất thủ tục lựa chọn nhà thầu mới sau khi nhà thầu cũ đơn phương chấm dứt hợp đồng, VEC đã đồng loạt tổ chức thi công phần còn lại gói thầu A6 (đoạn phía Đông), cao tốc Bến Lức - Long Thành. Gói thầu A6 hiện hoàn thành khoảng 33,93% sản lượng.
Thông tin về tiến độ chung của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, ông Đặng Hữu Vị cho hay, đối với 3 gói thầu xây lắp thuộc hợp phần vay vốn vốn JICA (cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản); trong đó, gói J1 dự kiến nhà thầu sẽ thi công trở lại trong tháng 6/2023, gói J2 (đã hoàn thành). Với gói J3, VEC đang làm việc với JICA để chốt lại các vấn đề liên quan đến công tác lựa chọn lại nhà thầu.
Trong khi đó 3 gói thầu thi công qua địa phận tỉnh Đồng Nai, hiện gói thầu A5 đã cơ bản hoàn thành, gói A7 đang thi công đạt tiến độ 80%. Riêng gói thầu A6 như đã đề cập ở trên đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu cũ và hiện đã lựa chọn được nhà thầu mới.
Theo đại diện Ban Đầu tư xây dựng thuộc VEC, bên cạnh các gói thầu A2-1, A3, A5 đã hoàn thành, gói thầu A7 đang thi công, việc lựa chọn nhà thầu mới đối với gói thầu A6 cũng đã hoàn thành và bắt đầu thi công trở lại, gói J1 đã tái khởi động để chuẩn bị thi công trở lại. Việc khởi động lại các gói A1, A2-2, A4, J3, A8 phụ thuộc vào việc Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh dự án, sau đó mới phát hành hồ sơ mời thầu, tiến tới tái khởi động thi công.
Để giải quyết khó khăn cho dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 30/3/2023 về việc bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cụ thể, Chính phủ thống nhất chủ trương Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đại diện Ban Đầu tư xây dựng (VEC) cho biết, nếu đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, VEC sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã chấm dứt hợp đồng và các gói thầu xây lắp khác; xin gia hạn thời gian thực hiện một số gói thầu (Gói J1 - thi công cầu Bình Khánh, Gói C5 - Tư vấn giám sát thi công phần JICA tài trợ) để làm cơ sở ký phụ lục hợp đồng.
Công tác mời thầu thi công các gói thầu đã chấm dứt hợp đồng gồm A1, A2-2, A4, J3, gói thầu mới A8 - Nhà trạm thu phí cũng sẽ được thực hiện.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư tháng 10/2010, hoàn thành trong năm 2023.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài 57,8km qua các tỉnh Long An 2,7 km, Tp. Hồ Chí Minh 26,4km và Đồng Nai 28,7 km. Dự án được khởi công vào tháng 7/2014 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2019, do gặp nhiều vướng mắc, nhất là về vốn nên dự án nhiều lần lùi thời hạn hoàn thành
Dự án này có tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn gồm: vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 13.654,6 tỷ đồng, vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 11.975,7 tỷ đồng và vốn đối ứng trong nước là 5.689,7 tỷ đồng. Dự án có 11 gói thầu xây lắp gồm: đoạn 1 phía Tây (gói thầu A1, A2, A3, A4) sử dụng vốn vay ADB, đoạn 2 (gói thầu J1, J2, J3) sử dụng vốn vay JICA; đoạn 3 phía Đông (gói thầu A5, A6, A7) sử dụng vốn vay ADB.