Thêm sinh kế cho đồng bào vùng lòng hồ thủy điện

Năm 2009, thủy điện Bản Vẽ có diện tích vùng lòng hồ rộng hơn 4.500ha. Thời điểm đó, sau khi xây đập, tích nước, nhiều người dân ở các xã Yên Na, Lượng Minh, Hữu Khuôn… huyện Tương Dương, Nghệ An đã đầu tư vốn và học tập kỹ thuật nuôi cá lồng.

Nhờ điều kiện nuôi thuận lợi, nhiều gia đình có thêm thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo. Một số hộ vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả trong vùng.

Chú thích ảnh
Lồng cá được người dân địa phương nuôi trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An). 

Thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng

Sau khi thủy điện Bản Vẽ tích nước, nhận thấy tiềm năng từ nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện, nhiều hộ dân trong vùng chuyển vào lòng hồ sinh sống, xây dựng cơ sở nuôi cá để tăng thu nhập. Là một trong những hộ đầu tiên phát triển cá lồng trên hồ thủy điện, từ những lòng tre tạm bợ, đến nay, nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, ông Lô Văn Liên, trú tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương đã có 9 lồng cá chắc chắn. Mỗi năm, với 9 lồng cá, gia đình ông có thu nhập trung bình hơn một trăm triệu đồng.

“Ở quê cũ không có đất sản xuất, cuộc sống rất vất vả. Vì vậy, khi nhận thấy tiềm năng từ việc nuôi cá lồng trên hồ thủy điện, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển vào làm nhà nổi phát triển kinh tế. Nước hồ thủy điện rất sạch, có thể thả cá quanh năm. Ngoài ra, để giảm chi phí nuôi cá ông còn đặt thêm các vó để bắt các cá nhỏ làm thức ăn cho một số loại cá nuôi như, cá lăng, cá ghé, cá leo… Riêng cá trắm thì cho ăn các loại rau rừng, cây chuối là những nguồn thức ăn rất dễ tìm và sẵn có. Cá lồng có thịt dai, thơm ngon nên các thương lái tự tìm đến tận nơi để mua”, ông Liên chia sẻ.

Chú thích ảnh
Vợ chồng ông Lô Văn Liên tại xã Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An) thu hoạch cá. 

Nằm cách bến thượng lưu khoảng 20 phút đi thuyền là trang trại với 16 lồng cá cùng căn nhà nổi của gia đình chị Lương Thị Huynh, trú tại Bản Vẽ, xã Yên Na. Đây cũng là hộ có số lượng lồng cá nuôi lớn nhất vùng. Trên toàn bộ 16 lồng cá chị Huynh đều thả nuôi các loại cá trắm, cá lăng, cá ghé… Đây đều là những loại cá có giá trị kinh tế, được thị trường ưa chuộng.

Vì chất lượng cá tươi ngon nên thu hoạch đến đâu có thương lái mua đến đó. Chị Lương Thị Huynh cho biết, do điều kiện nguồn nước thuận lợi nên cá nuôi khoảng 6-7 tháng đạt trọng lượng từ 3-5kg tùy loại. Giá của các loại cá cũng tùy theo như, cá trắm mức giá 100.000 đồng/kg, còn cá lăng, cá ghé có giá 200.000-300.000 đồng/kg. Nhờ không khí trong lành nên chị mở thêm dịch vụ ăn uống, phục vụ khách tham quan, du lịch trải nghiệm lòng hồ. Du khách có thể tự chọn lựa, bắt cá, thưởng thức ngay trên lòng hồ thủy điện. So với làm rẫy, đi rừng, việc nuôi cá cho thu nhập cao và ổn định hơn.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Theo ông Lương Bá Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na, trước đây, bà con chủ yếu nuôi cá với các loại lồng tre, dễ bị hư hỏng, hiệu quả thấp. Từ khi được hỗ trợ lồng cá theo Nghị quyết 8/2021/NQ-HĐND ban hành quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nhiều hộ dân ở xã Yên Na đã đầu tư nuôi cá. Nhờ nuôi cá, nhiều hộ thoát nghèo, một hộ trở nên khá giả, có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ năm.

Chú thích ảnh
Do điều kiện nguồn nước thuận lợi nên cá nuôi khoảng 6-7 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 3-5kg tùy loại.

"Hiện nay, toàn xã có 15 hộ nuôi với trên 100 lồng. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay vẫn là con giống, nhiều hộ phải tự tìm con giống nên chất lượng không đảm bảo, thời gian nuôi dài, hiệu quả kinh tế chưa cao. Để phát huy hết tiềm năng mặt nước lòng hồ thủy điện, cấp trên cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa. Trước mắt, cần cung ứng con giống cũng như mở thêm các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá cho bà con”, ông Lương Bá Truyền chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, địa phương có gần 7.000ha mặt nước lòng hồ, trong đó, có 2 lòng hồ thủy điện lớn là Bản Vẽ và Khe Bố. Để phát huy lợi thế lòng hồ thủy điện, huyện đã xây dựng Đề án phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025, đến nay đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Toàn huyện Tương Dương hiện có hơn 500 lồng cá các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Na, Hữu Khuông và Lượng Minh. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo phòng, ban chuyên môn phối hợp chính quyền các xã có mặt nước lòng hồ tiếp tục phát triển mô hình này theo hướng vừa nuôi cá nhưng vừa chế biến sâu, gắn với du lịch lòng hồ để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nghệ An hiện có trên 1.000 hồ thủy lợi, thủy điện lớn, nhỏ, tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá lòng hồ là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều hộ nuôi cá vẫn bị động trong cung cấp các giống cá, khiến quy mô nuôi cá lồng chưa đạt được hiệu quả cao nhất, vì thế một diện tích lòng hồ rộng lớn còn bỏ trống.

Bài và ảnh: Văn Tý (TTXVN)
Lâm Đồng: Không dùng ngân sách để trả phí nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi
Lâm Đồng: Không dùng ngân sách để trả phí nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi

Các chủ hồ thủy điện, thủy lợi phải trả chi phí nạo vét lòng hồ cho các doanh nghiệp, Nhà nước không hỗ trợ từ ngân sách

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN