'Thế chân vạc' cho tăng trưởng vững chắc

Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng: Tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt mức từ 6,5 - 7% nhờ các nhóm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang khởi sắc trở lại.

Chú thích ảnh
Vận chuyển phân bón xuất khẩu tại Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN.

Kinh tế tháng 4 khởi sắc

Mặc dù gặp nhiều khó  khăn, thách thức, nhưng theo  Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tiếp nối đà phát triển  của quý I/2022, tình hình  kinh tế tháng 4/2022 của nước  ta tiếp tục khởi sắc. Thậm  chí, nhiều ngành đạt kết quả  tốt hơn những năm trước đại  dịch, trong đó nổi bật là lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Bốn tháng đầu năm 2022,  kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn  định; chỉ số giá tiêu dùng  (CPI) tháng 4/2022 tăng thấp  nhất trong mức tăng của  tháng 4 giai đoạn 2017 - 2022;  vấn đề an ninh lương thực,  năng lượng được bảo đảm;  thu ngân sách Nhà nước  (NSNN) ước đạt 45,7% dự  toán, tăng 13,3%.

Theo bà Nguyễn Thị  Hương, Tổng cục trưởng  Tổng cục Thống kê (TCTK),  sản xuất công nghiệp tháng  4/2022 tăng 2% so với tháng  trước và tăng 9,4% so với  cùng kỳ năm trước; tính  chung 4 tháng đầu năm 2022  sản xuất công nghiệp tăng  7,5%. Số lao động đang làm  việc trong các doanh nghiệp  công nghiệp tăng 1,3% so với  tháng trước và tăng 3,9% so  cùng kỳ.

Sản xuất nông, lâm  nghiệp, thủy sản đạt kết quả  tích cực; thị trường tiêu thụ  sản phẩm nông sản, lâm sản,  thủy sản được khơi thông,  mở rộng. Sản lượng thủy sản  tháng 4/2022 ước đạt 736.400  tấn, tăng 2,6% so với cùng  kỳ năm trước. Đặc biệt tháng  4/2022, số doanh nghiệp đăng  ký thành lập mới tăng cao  nhất từ trước tới nay với hơn  15.000 doanh nghiệp; 4 tháng  đầu năm 2022, số doanh  nghiệp thành lập mới tăng  12,3%, doanh nghiệp trở lại  hoạt động tăng 60,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng  39,4% so cùng kỳ.

“Cùng với các trụ cột là  sản xuất công nghiệp, thương  mại, đầu tư, hoạt động du  lịch và các dịch vụ đi kèm  sẽ có sự ‘bùng nổ’ mạnh mẽ,  góp phần vào tăng trưởng  kinh tế trong năm 2022”, PGS  TS Nguyễn Thường Lạng  (trường Đại học Kinh tế Quốc  dân) dự báo.

Theo Bộ KH-ĐT, tính đến  ngày 20/4, tổng vốn đầu tư  trực tiếp nước ngoài (FDI)  trong 4 tháng đầu năm 2022  của đăng ký cấp mới, điều  chỉnh và góp vốn mua cổ  phần, mua phần vốn góp của  nhà đầu tư nước ngoài đạt  trên 10,8 tỷ USD; bằng 88,3%  so với cùng kỳ năm 2021.  Trong đó, đáng chú ý, tuy  vốn đăng ký mới giảm 56,3%,  nhưng vốn điều chỉnh và góp  vốn mua cổ phần tăng mạnh  lần lượt là 92,5% và 74,5%.

Thời gian qua, các nhà  đầu tư nước ngoài đã đầu tư  vào 18 ngành trong tổng số  21 ngành kinh tế quốc dân.  Trong đó, ngành công nghiệp  chế biến, chế tạo dẫn đầu với  tổng vốn đầu tư đạt gần 6,2  tỷ USD; chiếm 57,2% tổng  vốn đầu tư đăng ký. Ngành  kinh doanh bất động sản  đứng thứ hai với tổng vốn  đầu tư hơn 2,8 tỷ USD. Tiếp  theo lần lượt là các ngành  bán buôn, bán lẻ; hoạt động  chuyên môn khoa học công  nghệ. Điều này thể hiện niềm  tin của các nhà đầu tư nước  ngoài cũng như các doanh  nghiệp, nhà sản xuất trong  nước đối với sự phát triển  kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đối với lĩnh vực xuất  nhập khẩu, trong 4 tháng  đầu năm nay, xuất siêu ước  tính đạt 2,53 tỷ USD, tăng  gần gấp đôi cùng kỳ năm  ngoái. Tổng kim ngạch xuất  nhập khẩu hàng hóa trong  4 tháng đầu năm 2022 đạt  242,19 tỷ USD; trong đó, xuất  khẩu đạt 122,36 tỷ USD và  nhập khẩu đạt 119,83 tỷ USD.  Theo đó có 22 mặt hàng đạt  kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng  kim ngạch xuất khẩu (có 6  mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ  USD, chiếm 63,1%).

Sự phục hồi của ngành du  lịch rất nhanh, đặc biệt kể từ  ngày 15/3, sau khi mở cửa du  lịch. Lượng khách quốc tế đến  Việt Nam tháng 4/2022 đạt  101.400 lượt người, gấp 2,4  lần so với tháng trước và gấp  5,2 lần so với cùng kỳ năm  trước. Tính chung 4 tháng  đầu năm 2022, khách quốc tế  đến Việt Nam đạt gần 192.400  lượt người, tăng 184,7% so với  cùng kỳ năm trước. Không chỉ khách quốc tế, tháng 4/2022, Việt Nam  chứng kiến sự trở lại mạnh  mẽ của du lịch nội địa với  10,5 triệu lượt khách, tăng  trưởng 16,7% so với cùng kỳ  năm trước. 

Theo Bộ trưởng Bộ  KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng,  thị trường tài chính - tiền  tệ cơ bản ổn định; thu ngân  sách 4 tháng đầu năm đạt  45,7% dự toán, tăng 13,3%  so với cùng kỳ, đáp ứng nhu  cầu chi phòng chống dịch,  an sinh xã hội, chăm lo đối  tượng chính sách. 

Theo bà Nguyễn Thị  Hương, sự điều hành của  Chính phủ thời gian qua rất  sát sao, quyết liệt, thể hiện  qua các chính sách được ban  hành. Điển hình như việc  nỗ lực bảo đảm nguồn cung  năng lượng xăng, dầu trong  nước; việc điều hành linh  hoạt qua gói hỗ trợ phục hồi  kinh tế. Chính phủ không  đẩy tiền ra lưu thông, thay  vào đó là giảm trừ trực tiếp  cho người được thụ hưởng  như việc giảm 2% thuế giá trị  gia tăng (VAT) với mặt hàng  thiết yếu; cũng như hỗ trợ  trực tiếp cho người lao động,  nhằm giữ được lực lượng lao  động cho sản xuất.

Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng

“Mặc dù còn nhiều khó  khăn phía trước nhưng tăng  trưởng kinh tế Việt Nam  vẫn được dự báo đạt mục  tiêu 6,5% trong năm 2022  tuy nhiên kiềm chế lạm phát  dưới 4% là khó đạt được”,  PGS TS Tô Trung Thành,  Trưởng phòng Quản lý Khoa  học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nhận định. Theo ông Tô Trung Thành,  thị trường thế giới tiếp tục xu  hướng tăng giá các loại hàng  hóa cơ bản cộng thêm cuộc  chiến Nga - Ukraine khiến  giá năng lượng leo thang ảnh  hưởng lớn đến chi phí sản  xuất trong nước, gây sức ép  lớn đến chỉ số lạm phát trong  năm 2022.  Thêm vào đó tại thị  trường trong nước, giá xăng  dầu tăng 45% sẽ tác động lên  CPI tăng khoảng 0,6% và chỉ  số giá sản xuất công nghiệp (PPI) tăng khoảng 2%.  Trong bối cảnh nguồn lực  đầu tư từ khu vực tư nhân  còn khó khăn, chưa thể hồi  phục ngay do tác động của  đại dịch thẩm thấu trước đó,  thì khu vực đầu tư công được  tăng cường sẽ đóng góp lớn  vào tăng trưởng kinh tế của  năm. Mặt khác, việc mở cửa  lại nền kinh tế sẽ mang lại  triển vọng phục hồi nhanh  trong khu vực dịch vụ và  đóng góp vai trò vào tăng  trưởng kinh tế.

Để tạo động lực cho tăng  trưởng nền kinh tế, Tổng  cục trưởng TCTK cho rằng:  Thời gian tới, các ngành,  các cấp cần tập trung giải  ngân hết 100% số vốn đầu  tư công được giao; theo dõi  chặt chẽ diễn biến giá các  mặt hàng thiết yếu, nhất là  mặt hàng xăng, dầu, xây  dựng các phương án điều  tiết nguồn cung, hạn chế  việc tăng giá đột biến. “Tiếp  đến cần thúc đẩy sản xuất  trong nước tiến tới tự chủ về  nguồn cung nguyên nhiên  vật liệu trong nước; khẩn  trương khôi phục thị trường  du lịch, tạo thuận lợi cho lưu  chuyển hành khách quốc tế,  trong nước, hỗ trợ phù hợp  các doanh nghiệp du lịch  gắn với an toàn dịch bệnh  đón mùa du lịch sắp tới”, bà  Nguyễn Thị Hương nhấn  mạnh.

Một giải pháp quan trọng  nữa là đẩy mạnh cải cách  hành chính, tháo gỡ các điểm  nghẽn cản trở hoạt động sản  xuất, kinh doanh; đẩy nhanh  hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiêp.

TS NGUYỄN VĂN HIẾN, PHÓ HIỆU TRƯỞNG  TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH - MARKETING:  Động lực tăng trưởng chính của kinh tế trong các quý tiếp theo vẫn  là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.  Dự báo từ nay đến cuối năm với sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh  vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, du lịch và dịch vụ, mục tiêu tăng  trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% mà Chính phủ đặt ra hoàn toàn có thể  thực hiện được và thậm chí có thể còn đạt được mục tiêu cao hơn. Để  đạt được tốc độ tăng trưởng như đề ra, Chính phủ cần tiếp tục duy trì  ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và  tiền tệ, giữ ổn định tỷ giá để làm sao mặt bằng giá trong nước không có  sự biến động lớn, mở rộng và tạo thông thoáng thị trường trong nước,  hỗ trợ và khuyến khích sản xuất phát triển. 

 

Minh Phương/Báo Tin tức
ADB và WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam dao động từ 5,3% đến 6,5%
ADB và WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam dao động từ 5,3% đến 6,5%

Trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2022 công bố ngày 6/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 6,5% và năm 2023 đạt 6,7%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN