Khó khăn về nguồn vốn và lãi suất cao đang khiến phần lớn các dự án phát triển nhà ở xã hội (NOXH) gồm: Nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở sinh viên, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp đang bị đình trệ. Tại hội nghị của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, diễn ra sáng 14/2 ở Hà Nội, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tạo vốn cho phát triển NOXH. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì.
Thiếu vốn, nhiều dự án đình trệ
Đề cập vấn đề hỗ trợ vốn vay của Chính phủ dành cho chương trình phát triển NOXH, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, dù chính sách đã quy định là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) có trách nhiệm thu xếp vốn ưu tiên cho các dự án phát triển nhà ở công nhân, sinh viên và nhà ở cho người thu nhập thấp vay, nhưng số dự án tiếp cận được nguồn vốn này rất hạn chế do VDB cũng gặp khó khăn về vốn.
Công nhân Vinaconex đang thi công tại công trình xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Mỹ Đình II, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Theo chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp (NTNT) tại khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội), khi triển khai dự án, chủ đầu tư phải vay vốn thương mại. Vốn thương mại với lãi suất 20 - 22%/năm đã làm giá NTNT bị đẩy lên cao, gây khó cho cả chủ đầu tư (khi bán) và người có nhu cầu (khi mua).
Sở Xây dựng Hà Nội cũng phản ánh, dự án nhà ở sinh viên tập trung triển khai tại Khu đô thị Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội) dù xây xong phần thô từ giữa năm 2011 nhưng do chưa thu xếp được vốn (vốn trái phiếu Chính phủ) nên cũng bị đình trệ, không thể hoàn thiện nốt để đưa vào khai thác.
Theo Bộ Xây dựng, tại khu vực đô thị cả nước hiện có khoảng 20% hộ gia đình (tương đương 1,35 triệu hộ) thuộc diện thu nhập thấp, có diện tích nhà ở chật hẹp (dưới 10 m2/người). Trong đó có khoảng 50% số hộ gia đình (tương đương 675.000 hộ) thực sự khó khăn về nhà ở. Từ nay đến năm 2020, khu vực đô thị của cả nước cần phát triển thêm khoảng 6,74 triệu căn nhà, trong đó phải xây 1.175 căn cho các đối tượng thu nhập thấp. Riêng nguốn vốn để xây 1.175 căn nhà thu nhập thấp đã cần 587,5 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, các chính sách về tài chính nhà ở hiện hành chưa đưa ra được các biện pháp hữu hiệu để tạo nguồn vốn cho phát triển nhà ở. Ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nhà ở vẫn rất hạn chế.
Sẽ thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho phát triển NOXH, Bộ Xây dựng đã lên phương án và đề xuất thành lập 2 quỹ tiết kiệm nhà ở (QTKNO).
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thứ nhất là mô hình quỹ tiết kiệm cho người thu nhập thấp vay mua, thuê mua NOXH hoặc cho doanh nghiệp vay để xây nhà này và quỹ thứ hai áp dụng cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà ở thương mại.
Thứ hai là quỹ dành cho người có thu nhập trung bình vay mua nhà ở thương mại. Riêng quỹ này, nguồn vốn được huy động từ người tham gia đóng quỹ và không được huy động nguồn vốn khác.
Với mô hình quỹ tiết kiệm thứ nhất, cùng với nguồn vốn hình thành việc tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân đóng góp, vốn của QTKNO còn được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như địa phương phải trích tối thiểu 10% tiền sử dụng đất thu được từ các dự phát triển đô thị mới, nhà ở thương mại trên địa bàn; 30% lợi nhuận thu được từ việc phát hành xổ số kiến thiết hoặc phát hành sổ nhà ở...
Theo cơ chế hoạt động của quỹ, khi người lao động có nhu cầu tham gia QTKNO sẽ đến đăng ký tại địa phương và sẽ được mở một tài khoản cá nhân tại một ngân hàng thương mại (NHTM) do quỹ ủy quyền. Hàng tháng, người tham gia sẽ đóng góp khoản tiết kiệm theo quy định vào tài khoản.
Đối với doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn từ quỹ, mức cho vay tối đa bằng 70% tổng giá trị dự án NOXH. Mức lãi suất cho vay được tính theo mức lãi suất cho vay trung hạn của NHTM, trừ đi lãi suất không kỳ hạn, cộng với 1%. Mức lãi suất này là để ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển NOXH.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, năm 2012 mới hoàn thành việc nghiên cứu và ban hành chính sách về mô hình QTKNO. Từ 2013 - 2015 áp dụng thí điểm QTKNO ở hai địa bàn trọng điểm là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Khi chính sách về mô hình QTKNO hoàn chỉnh và vận hành hiệu quả thì mới triển khai trên cả nước. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để lấy thêm ý kiến các bộ, ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng và các đối tượng xã hội nhằm tạo sự đồng thuận cao trước khi đưa vào thực hiện.
Xuân Hương