Hoạt động giao dịch tại ngân hàng VietinBank. |
Đây là thời kỳ đầy khó khăn, thử thách để tìm đường đến kinh tế thị trường và chúng ta cũng đã phải trả giá khá đắt với sự đổ vỡ hàng loạt hợp tác xã tín dụng (HTXTD) ở nông thôn và khá nhiều quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ở tỉnh, thành phố. Sau khi cơ cấu lại, hệ thống NH ở nước ta bắt đầu phát triển, khá nhiều NH mới được ra đời, trong đó không ít NH được thành lập trên cơ sở cơ cấu và điều chỉnh lại từ những QTDND đã đổ vỡ hoặc yếu kém vào những năm 1988, 1989. Đây có thể coi là lần tái cơ cấu (TCC) đầu tiên của hệ thống NH ở nước ta.
Sau khi TCC lần đầu, các ngân hàng thương mại (NHTM) ở nước ta hoạt động được một thời gian thì đến thời điểm 1998-1999, các NHTM, nhất là các NHTM cổ phần (CP) bắt đầu có biểu hiện yếu kém, nợ xấu ở mức rất cao, lên tới 24% tổng dư nợ (theo tiêu chuẩn Việt Nam). Cá biệt, có NH nợ xấu gần như đóng băng ở tỷ lệ nguy hiểm như: Nam Đô 99%, APB 85%, Hải Phòng 77%, Việt Hoa 65%... Tình trạng mất khả năng thanh toán luôn thường trực đối với một số NHCP, đã trở thành những “điểm nóng” trong xã hội. Trong khi đó qui mô hoạt động của các NH cũng rất nhỏ bé, khó phát triển dịch vụ cũng như mạng lưới và công nghệ, do đó nhiều NH khó tồn tại; hoạt động quản trị, điều hành, kiểm tra kiểm soát ở các NHTM rất yếu kém, rủi ro cao, để một số cổ đông hoặc người điều hành lũng đoạn, vi phạm pháp luật, làm thiệt hại tới uy tín chung của ngành NH và lợi ích của người gửi tiền.
Bối cảnh trên đây đặt ra cho Nhà nước nói chung và ngành NH nói riêng phải có đối sách ứng phó kịp thời, ngăn chặn tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á, không để đổ vỡ hệ thống NH còn non trẻ mới bước vào thương trường. Tháng 4/1998, NHNN và UBND TP.HCM đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án củng cố, chấn chỉnh, sắp xếp lại các NHTMCP tại TP.HCM” và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đến năm 1999, đề án được mở rộng ra phạm vi toàn quốc và thực hiện đến cuối năm 2001. Đây có thể coi là cuộc TCC lần thứ hai của hệ thống NH Việt Nam, vì việc chống đổ vỡ NH ở Việt Nam chưa có tiền lệ, năng lực tài chính hỗ trợ của nhà nước rất khó khăn, trong khi tác động đổ vỡ NH đến trật tự an ninh xã hội và đến nền kinh tế là khó lường, nhưng ngành NH đã quyết tâm thực hiện và đã thực hiện thành công.
Kinh nghiệm của việc TCC lần này là tiến hành thí điểm xử lý những NHCP yếu kém tại TP.HCM bằng việc buộc đóng cửa đối với những NH không đủ khả năng thanh toán, sáp nhập, hợp nhất đối với những NH nhỏ, không đủ khả năng cạnh tranh và tồn tại theo yêu cầu mới; bán lại và chuyển thể sang loại hình khác và cuối cùng là cho phép giải thể. Tuy nhiên, do sự phức tạp và đặc thù trong hoạt động tiền tệ và NH, nhất là những vấn đề liên quan tới việc vi phạm pháp luật, nợ xấu quá cao, trong khi tiền gửi của dân chúng đã đến hạn, nên phải xử lý từng bước, nhằm vừa yên lòng những người có tiền gửi đến hạn, nhất là những người gửi với số tiền lớn, vừa thực hiện TCC theo các hình thức và đối với những NH cụ thể, trong đó có cả hình thức “bắc cầu”, đưa một NHTM Nhà nước vào tham gia xử lý và kiểm soát để giải thể một cách êm thấm, điển hình là đối với NH Nam Đô - một “điểm nóng” trên địa bàn TP.HCM lúc bấy giờ.
Với những bước đi thận trọng nhưng cũng khẩn trương, đến cuối năm 2001, việc TCC các NHCP ở nước ta đã đạt hiệu quả rõ rệt: Đã rút giấy phép 8 NHCP (trong số 51 NHCP trên cả nước) bằng các hình thức: đóng cửa 4 NH, bán lại 1 NH, sáp nhập 3 NH, chuyển thể 2 NH từ NHCP đô thị thành NHCP nông thôn. Một số NH yếu kém đã khôi phục hoạt động bình thường. Sau khi cơ cấu lại tổ chức, số lượng NHCP đã rút từ 51 xuống còn 43, giảm 18 NH, đó là việc làm khá mạnh, nhưng không làm xáo trộn thị trường tài chính cả nước. Một kết quả lớn khác là việc tăng vốn điều lệ của các NHCP. Nếu năm 1998 có tới 34/51 NHCP không đủ vốn điều lệ tối thiểu thì đến cuối năm 2001 đã có 35/43 NH tăng đủ vốn điều lệ, với mức tăng chung gấp 6 lần (2001/1998). Tỷ lệ nợ xấu bình quân giảm từ 24% (năm1998) xuống còn 15% (năm 2001) và tiếp tục lập dự phòng để xử lý nợ xấu, tỉ lệ nguồn vốn trích dự phòng năm sau cao hơn năm trước và đã đủ khả năng xử lý nếu có rủi ro. Đến cuối năm 2001, có 31/43 NHCP hoạt động có lãi.
Nâng cao chất lượng hệ thống ngân hàng
Sau gần 10 năm tái cơ cấu lần thứ hai (2001) đến nay, hệ thống NHTM nước ta đã có bước phát triển khá mạnh. Theo số liệu của NHNN, hiện cả nước có 52 NHTM, gồm: 1 NH Chính sách, 5 NHTM Nhà nước, 39 NHCP, 52 Chi nhánh NH nước ngoài, 5 NH liên doanh, 5 NH 100% vốn nước ngoài mới được cấp phép hoạt động, 16 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính và một hệ thống QTDND với QTDND Trung ương và hơn 900 QTDND cơ sở thành viên. Tổng giá trị tài sản của các NHTM Việt Nam đã đạt 175 tỷ USD, dư nợ cho vay 125 tỷ USD, tương đương 120% GDP của nền kinh tế. Đây được xem là sự đóng góp khá lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Từ năm 2007 đến nay, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như liên tiếp phải hứng chịu những tác động khác của kinh tế thế giới và trong nước, nhưng hệ thống NH Việt Nam vẫn đứng vững.
Tuy nhiên, hệ thống NH cũng đã bộc lộ khá nhiều vấn đề như mức dư nợ cho vay liên tục tăng qua các năm, có những năm tăng đến trên dưới 40% và thường chiếm tỉ trọng khoảng 120% GDP, đó là một tỉ lệ quá cao (trong khi các nước đều dưới mức 100%).Với tốc độ tăng trưởng tín dụng rất nhanh trong những năm qua, đã tạo ra lượng cung tiền rất lớn và đây là một trong những nguyên nhân vừa thúc đẩy tăng trưởng nóng, vừa đẩy lạm phát tăng cao… Tình hình này sẽ còn tiếp diễn nếu Chính phủ và NHNN không có biện pháp chấn chỉnh một cách đồng bộ.
Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm về TCC hệ thống NH vào những giai đoạn trước, trong đó có việc tổ chức kiểm tra, xử lý nợ xấu để làm trong sạch bảng cân đối tài khoản của các NHTM, phân loại để làm cơ sở cho việc sắp xếp, giải thể, sáp nhập và thanh lý những NH yếu kém… Tuy nhiên, việc TCC các NH hiện nay lại có những đặc thù riêng và bối cảnh kinh tế trong nước cũng như quốc tế khác rất nhiều. Việc TCC các NHTM cần chú trọng trước hết là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), tiếp đến là phải tạo ra một hệ thống các TCTD đủ mạnh để đứng vững trong điều kiện mới và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh để phát triển.
Để có được hệ thống NH đáp ứng yêu cầu trên, việc tái cơ cấu đối với hệ thống NH hiện nay cần: Đầu tiên là phải tiến hành xem xét và đánh giá tổng thể toàn bộ hệ thống các NHTM, tập trung vào các NHCP; tiến hành phân loại cụ thể theo nhóm NH hoặc từng NH để có cơ sở xử lý thích hợp. Thứ hai là tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng tài sản có của các NH, chú trọng chất lượng tín dụng và bảo lãnh để trên cơ sở đó yêu cầu từng NH có biện pháp xử lý, làm trong sạch bảng cân đối tài sản trong khoảng thời gian do NHNN quy định; chỉ đạo xử lý những cán bộ nhân viên có liên quan làm tăng nợ xấu và rủi ro mất vốn của NH. Thứ ba là thực hiện kiểm tra và đánh giá cụ thể một số tiêu chí sau đây: (1) Cơ cấu vốn tự có, trong đó chú trọng và xem xét khả năng đáp ứng yêu cầu đủ vốn của từng NH theo quy định của NHNN; đánh giá năng lực của ban lãnh đạo, cả về quản trị, điều hành, quản lý, kiểm tra kiểm soát và kiểm toán nội bộ; (2) Tình hình bảo đảm khả năng thanh toán của NH trong vòng một vài năm gần đây, có thể là từ năm 2008 đến nay; các tiêu chí về doanh thu, lợi nhuận và các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh doanh (ROA, ROE); (3) Xem xét, đánh giá tình hình triển khai các hoạt động dịch vụ NH, trong đó: Số lượng các sản phẩm NH hiện đại, tỉ trọng doanh thu về dịch vụ so với tổng doanh thu hàng năm. Thứ tư là trên cơ sở xem xét, đánh giá những tình hình trên, NHNN xem xét áp dụng biện pháp TCC cụ thể đối với từng NH, hoặc nhóm NH. Thứ năm là vẫn phải xem xét để củng cố đối với các NHTM Nhà nước…
TCC hệ thống NH ở nước ta trong điều kiện hiện nay cần phải tiến hành theo từng bước đi, thời gian, những công việc cụ thể và chặt chẽ. Có lẽ Nhà nước cũng cần phải chuẩn bị nguồn vốn để phục vụ cho việc TCC này, nhằm hỗ trợ đối với những NH có khó khăn trong việc bảo đảm chi trả nếu phải đưa vào kiểm soát đặc biệt hoặc phải giải thể. Cũng có thể NHNN mua lại NH nào đó nếu thấy không thể cơ cấu được. Trong quá trình TCC, chúng ta không nên quá quan tâm đến việc phải giảm bớt bao nhiêu NH mà quan trọng hơn là sẽ tạo ra một hệ thống NH mới mạnh hơn, các NHTM có đủ điều kiện tồn tại, phát triển và nâng cao hơn năng lực cạnh tranh trong điều kiện mới của kinh tế trong nước cũng như những biến động ngày càng phức tạp của thế giới. TCC phải theo lộ trình, kế hoạch, nhưng phải khẩn trương để giảm tối đa tâm lý người gửi tiền dễ gây xáo trộn tình hình, đồng thời cũng phải giảm chi phí, tạo điều kiện cho những NH phục hồi nhanh hơn.
PGS.TS Nguyễn Đình Tự