Thận trọng trong mua bán hồ tiêu nguyên liệu

Liên quan đến vụ việc trộn hỗn hợp than pin với vỏ cà phê, sỏi đá vào hồ tiêu nhằm tăng dung trọng hạt tiêu vừa được phát hiện ở Đăk Nông, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có khuyến cáo tới các doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn với việc mua bán hồ tiêu nguyên liệu từ các đại lý.

Để bảo vệ thương hiệu, uy tín của ngành, các doanh nghiệp tuyệt đối không mua của những nhà cung ứng mà kiểm tra hàng mua không đạt yêu cầu chất lượng, không ham mua rẻ cũng như không chấp nhận các hợp đồng xuất khẩu với giá quá thấp so với giá thị trường tại thời điểm của một vài nhà nhập khẩu.

Hạt tiêu sau khi được trộn với hỗn hợp đá nhỏ 2 - 3mm, than pin, vỏ cà phê sấy khô. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Theo VPA, do sự việc trên là nhỏ lẻ và mới xảy ra nên phần nào mức độ tác động không lớn. Trên thực tế, với cách thức sản xuất kinh doanh của ngành hồ tiêu Việt Nam hiện nay thì các loại hỗn hợp giả, pha trộn nguy hiểm như vậy rất khó có thể lọt qua được hệ thống xử lý, chế biến, xuất nhập khẩu hồ tiêu với nhiều thiết bị hiện đại và hệ thống quản lý kiểm soát chất lượng tiên tiến của các doanh nghiệp xuất khẩu cùng các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 100 quốc gia. Đây là một trong những ngành được các doanh nghiệp đầu tư mạnh với 20 nhà máy xử lý chế biến hồ tiêu sạch đạt chuẩn quốc tế về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm như HACCP, ISO 22000, Halal, ISO 9001:2008, Certified BRC- food... Do vậy, với hệ thống thiết bị xử lý như vậy, những tạp chất chứa những chất như bột pin, sỏi đá sẽ nhanh chóng bị loại bỏ bằng hệ thống xử lý công nghệ hiện đại.

Mặc dù lâu nay các doanh nghiệp của VPA luôn rất cẩn trọng trong khâu kiểm soát chất lượng, đặc biệt ngay từ khâu thu mua đầu tiên. Đó là, chọn nhà cung ứng hồ tiêu có uy tín, chọn vùng mua nguyên liệu có uy tín và kiểm tra chặt chẽ chất lượng hàng mua vào từ đại lý.

Tuy nhiên, từ sự việc vừa qua, VPA cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu hồ tiêu cần phải cẩn trọng hơn với việc mua bán hồ tiêu nguyên liệu từ các đại lý nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp cũng như ngành hang.

Theo VPA, vụ việc trộn hỗn hợp than pin với vỏ cà phê, sỏi đá vào hồ tiêu nhằm tăng dung trọng hồ tiêu nguyên liệu vừa được phát hiện là hành vi gian lận thương mại vô cùng nghiêm trọng, vì nó nguy hại tới sức khoẻ người tiêu dùng. Thay mặt cho cộng đồng nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Việt Nam, VPA cực kỳ lên án đối với hành động vi phạm các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm của 2 doanh nghiệp liên quan đến vụ việc này.

Về mặt quản lý Nhà nước, VPA kiến nghị các cơ quan quản lý thị trường các địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh với các cơ sở thu mua nông sản ở các địa phương, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, các chợ truyền thống (nơi hạt tiêu có thể bán cho người tiêu dùng trong nước).

Về phía VPA cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin thị trường, đặc biệt là thông tin mang tính cảnh báo cho các hội viên về những điều bất ổn trong thương mại hồ tiêu để những hiện tượng làm ăn bất chính không còn tồn tại như doanh nghiệp Thảo Dung.

Trước đó, như thông tin đã đưa, ngày 15/4/2018, Công an tỉnh Đăk Nông đã phát hiện Cơ sở thu mua Nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đăk Wer, huyện Đăk Rlấp, Đăk Nông) trộn pin với vỏ cà phê, sỏi đá thành hỗn hợp bán cho bà Phan Thị Dung (Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Thảo Dung, xã Lộc Thịnh, Lộc Ninh, Bình Phước) để doanh nghiệp này trộn vào hồ tiêu nhằm tăng dung trọng hạt tiêu bán ra kiếm lời.

H.Chung (TTXVN)
Phế phẩm cà phê và bột pin không thể trộn thành đồ uống
Phế phẩm cà phê và bột pin không thể trộn thành đồ uống

"Sỏi đá, trộn phế thải cà phê rồi nhuộm pin nếu dùng làm đồ uống không đảm bảo tính khoa học, liên quan vào nhau", ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN