Tham vấn ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Chiều 13/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Chiều 13/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh minh hoạ: TTXVN

Các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai và Tổng Biên tập Báo Đại biểu  nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng đoàn, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý.

Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, kỳ vọng vào các quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XV. Yêu cầu quan trọng đặt ra đối với việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 là phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" trong đó, chú trọng triển khai thực hiện 8 nhóm nội dung về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, Chính phủ với sự tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực, khẩn trương, tích cực chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Từ đó đến nay, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức nhiều cuộc làm việc, hội thảo chuyên sâu để tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia và cả một số đối tượng thụ hưởng chính sách về các nội dung sửa đổi Luật Đất đai. Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 cũng dành hẳn một phiên thảo luận chuyên đề về hoàn thiện pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đất đai. Cùng với đó là rất nhiều tọa đàm, hội thảo, góp ý kiến đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức, hiệp hội thực hiện và gửi ý kiến góp ý đến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan đều đã dành rất nhiều tâm huyết, công sức, trí tuệ và trách nhiệm cho việc sửa đổi dự án luật quan trọng này, nhằm mục tiêu cao nhất là trình Quốc hội thông qua được một đạo luật có chất lượng: vừa kế thừa, phát huy các quy định của pháp luật về đất đai đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn, vận hành thông suốt, vừa khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, vừa phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, hài hòa lợi ích quốc gia, công cộng, lợi ích của doanh nghiệp, của người dân, để đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tại Hội thảo các đại biểu thống nhất cho rằng, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm... Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về: Giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng  khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; những bất cập của Luật Đất đai hiện hành phải đặt trong mối quan hệ với hệ thống pháp luật chung; vấn đề định giá đất; tính thống nhất của các dự thảo Luật Đất đai; kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Ngày 14/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và thông qua 3 dự án Luật
Ngày 14/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và thông qua 3 dự án Luật

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, ngày 14/11 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN