Trong các quốc gia trọng điểm có thị trường Hoa Kỳ mà Thủ tướng yêu cầu phải nghiên cứu để mở đường bay trực tiếp giữa hai nước. Tuy nhiên, theo Phó Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, việc mở đường bay này gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh rất gay gắt tại thị trường này.
Hiện tại, thị trường hàng không đến Hoa Kỳ đang được rất nhiều hãng khai thác. Ví dụ như: tại Hoa Kỳ có rất nhiều điểm bay từ đây đến Việt Nam khi qua các điểm trung gian. Đó là hành khách khi có nhu cầu bay về Việt Nam họ có thể bay qua các điểm trung chuyển là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và qua Malaysia… và gần đây thì hành khách cũng có thể bay từ Hoa Kỳ về Việt Nam qua điểm trung gian là Trung Quốc.
Việc mở đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ là thách thức lớn do phải cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế khác. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Bên cạnh đó, những người có nhu cầu đến Việt Nam từ các bang phía bờ Đông của Hoa Kỳ cũng có thể bay về Việt Nam qua các điểm trung gian ở châu Âu như: Anh, Pháp, Đức và sẽ bay nối chuyến về Việt Nam.
Các hãng hàng không Việt Nam đã tham gia khai thác các đường bay nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt thị trường khi phải đối mặt với sự cạnh tranh của tất cả các hãng không lớn tại các điểm trung gian như phân tích ở trên.
Cũng theo ông Võ Huy Cường, nhu cầu thị trường khi bay đến Hoa Kỳ là rất lớn nhưng đi kèm với đó là sự cạnh tranh rất khốc liệt. Ví dụ như điểm trung gian Nhật Bản, Hàn Quốc hiện mỗi điểm cũng có 2 hãng hàng không lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc kết nối trực tiếp với Hoa Kỳ và có thể thực hiện nối chuyến thuận lợi đến Việt Nam.
Ngoài ra, các điểm trung gian khác như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Philippines... đều có đường bay kết nối với các vùng của Hoa Kỳ, đây được đánh giá đều là những đường bay thuận lợi cho hành khách có nhu cầu bay về Việt Nam. Bên cạnh đó, tại châu Âu cũng có các điểm trung gian qua Anh, Pháp,…để bay nối tuyến về Việt Nam.
“Như vậy, về mặt thị trường có sự cạnh tranh rất khốc liệt mà các hãng hàng không Việt Nam khi đặt ra kết hoạch bay trực tiếp đi Hoa Kỳ phải phân tích, đánh giá”, ông Võ Huy Cường cho hay.
Xét về mặt kỹ thuật, Phó Cục trưởng Võ Huy Cường thông tin, các hãng hàng không của Việt Nam muốn bay đến Hoa Kỳ ngoài các giấy phép bay về mặt kinh tế mà Hiệp định Hàng không cho phép thì phải được cấp thêm giấy phép do Cục Hàng không Hoa kỳ cấp. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các hãng hàng không trên thế giới khi muốn bay vào thị trường Hoa Kỳ
Về việc cấp phép này, Cục Hàng không Hoa Kỳ sẽ trực tiếp đánh giá về khả năng, năng lực đảm bảo an toàn khai thác tàu bay của các hãng khai thác đường bay tới Hoa Kỳ.
Phân tích chi tiết về nội dung này, ông Võ Huy Cường thông tin, để được cấp phép của Cục Hàng không Hoa Kỳ có 2 khía cạnh, một là về quản lý nhà nước tức là Cục Hàng không Việt Nam phải đạt được năng lực loại 1 (CAT 1) - năng lực giám sát an toàn khai thác tàu bay.
“Về vấn đề này, tháng 10/2017 vừa qua, Cục Hàng không Hoa Kỳ đã có đợt sang Việt Nam đánh giá kỹ thuật và có khả năng đầu năm này chúng ta sẽ mời Cục Hàng không Hoa Kỳ sang đánh giá chính thức để được được cấp CAT 1”, ông Cường cho hay.
Cũng theo ông Cường, sau khi đánh giá năng lực giám sát an toàn khai thác tàu bay của Cục Hàng không Việt Nam thì khi đó mới chuyển sang đánh giá năng lực của cách hãng hàng không có đề nghị thực hiện các chuyến bay tới Hoa Kỳ. Ví dụ như Vietnam Airlines hoặc tới là Vietjet Air. Trước tiên, phía hàng không Hoa Kỳ sẽ đánh giá về năng lực sửa chữa, bảo dưỡng, khai thác tàu bay của hãng...
Riêng đối Vietnam Airlines có quá trình chuẩn bị tương đối kỹ về bộ máy tổ chức, năng lực khai thác, bảo dưỡng tàu bay. Hiện nay, Vietnam Airlines đã đạt tiêu chuẩn hãng hàng không 4 sao tiêu chuẩn quốc tế.
Về mặt chất lượng dịch vụ thì Vietnam Airlines cũng có đã đạt được kết quả tốt. Còn về năng lực kỹ thuật thì phải có đánh giá của Cục Hàng không Hoa Kỳ. Khi có được sự đánh giá đó đạt tiêu chuẩn, khi đó sẽ tổ chức bay.
Vấn đề thứ 2, ông Cường cho rằng đối với hãng hàng không phải có một yêu cầu khác nữa đó là về phương tiện bay (tàu bay). Hiện nay, chúng ta chưa có một điều kiện về điểm bay trung gian ví dụ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... vì điểm bay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất dài nên phải có điểm dừng kỹ thuật. Tuy nhiên, điểm dừng kỹ thuật chỉ để nạp nhiên liệu và kiểm tra tàu bay thì sẽ không hiệu quả trong việc mở đường bay.
Mà muốn có hiệu quả thì hãng hàng không Việt Nam phải được quyền chở khách đến điểm trung gian đó và đón khách ở đây để đi tiếp thì khi đó mới có hiệu quả (đây gọi là Thương quyền 5). Chúng ta gặp khó khăn trong việc này vì các nước họ không muốn chia sẻ vì ảnh hưởng đến các hãng hàng không của nước đó.
“Hơn nữa, nếu trong trường hợp bay thẳng không dừng thì cần phải có một loại tàu bay phù hợp, hiện phải chờ tàu bay mới như Boeing 777X. Tuy nhiên khi bay thẳng như vậy sẽ cực kỳ tốn kém”, ông Cường phân tích.
Mặc dù có nhiều khó khăn cần phải vượt qua nhưng ông Võ Huy Cường cũng thừa nhận những thuận lợi nhất định khi các hãng hàng không Việt Nam được cấp giấy phép bay vào thị trường Hoa Kỳ.
Cụ thể, nếu chúng ta nhận được CAT 1 đối với Cục Hàng không Việt Nam và chứng nhận đánh giá kỹ thuật tốt của các hãng hàng không trong nước thì cơ hội hợp tác song phương giữa các hãng hàng không Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ thuận lợi hơn. Sẽ giúp quảng bá hình ảnh, dịch vụ của các hãng hàng không Việt Nam trên các chuyến bay của các hãng Hoa Kỳ sẽ tốt hơn.
Cùng với đó, khi chúng ta được cấp phép các giấy phép của Cục Hàng không Hoa Kỳ thì có một điều thuận lợi là chúng ta có cơ hội bán được nhiều vé hơn bởi hành khách khi đó sẽ rất yên tâm vì các hãng hàng không của Việt Nam đã đạt được đã đạt được đẳng cấp ngang hàng với các hãng hàng không khác về tính an toàn khai thác tàu bay, an ninh hàng không.
Cùng với đó, khi đây được coi là thị trường cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không tham gia đường bay này sẽ không ngừng được cải thiện để tốt hơn nữa.