Nếu Tổng Công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) vẫn giữ nguyên mô hình như hiện nay thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ không thể thoái vốn theo như kết luận tại Thông báo số 309/TB-VPCP về Đề án tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đây là thông tin được Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN Phùng Đình Thực cho biết tại giao ban sản xuất kinh doanh của Tập đoàn này vào chiều 8/10.
Theo ông Thực, để hoàn tất mục tiêu là thoái vốn khỏi định chế tài chính này, PVFC sẽ sáp nhập với một ngân hàng khác để hình thành nên một ngân hàng mới dưới sự giám sát đặc biệt của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Sau khi quá trình sáp nhập hoàn tất với các điều kiện rõ ràng, minh bạch cũng như các khoản nợ xấu được xử lý xong thì PVN mới có thể thực hiện thoái vốn.
Tính đến hết tháng 9/2012, PVN vẫn nắm giữ trên 70% vốn sở hữu của PVFC.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Liên quan đến việc thoái vốn khỏi Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Thực khẳng định: Trong phương án tái cấu trúc PVN đã cơ bản được Chính phủ thông qua với 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính có lĩnh vực xây lắp dầu khí. Theo đó, PVC tiếp tục đảm nhiệm việc xây dựng các công trình dầu khí trên bờ. Để thực hiện nhiệm vụ này, PVC sẽ phải thoái vốn hết khỏi lĩnh vực bất động sản trên cơ sở các nguyên tắc: Đúng luật; căn cứ vào tình hình thị trường (thị trường đang xuống thì không thể thoái vốn được); bảo toàn vốn cao nhất của nhà nước. Trong trường hợp không thoái vốn được nhưng vẫn thua lỗ kéo dài, phương án có thể là phải sáp nhập các công ty bất động sản hoặc xóa bỏ hay phá sản.
Ông Thực cũng cho biết: PVN hiện có 29 công ty "con" và trên 200 công ty "cháu chắt" nhưng sau tái cấu trúc sẽ chỉ còn 24 công ty "con" và khoảng một nửa công ty "cháu chắt". Trong tháng 10 này, Chính phủ sẽ chính thức phê duyệt Đề án tái cấu trúc PVN và trên cơ sở đó, Tập đoàn sẽ tập trung triển khai Đề án này.
Nguyễn Kim Anh