Cần "nhạc trưởng” điều phối
Theo Tiến sĩ Dương Như Hùng, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, với thực trạng đầu tư hạ tầng giao thông còn khó khăn và thiếu sự kết nối, quy hoạch hệ thống giao thông vận tải Đồng bằng sông Cửu Long cần dựa trên chiến lược liên kết vùng ứng phó với tác động biến đổi khí hậu. Cả khu vực Nam bộ cần có một "nhạc trưởng" điều phối quản lý cấp vùng và TP Hồ Chí Minh phù hợp với vai trò này, nhưng cần phải có nguồn lực để thực hiện.
Tỉnh Long An là địa phương giáp ranh với TP Hồ Chí minh, được xem là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Vành đai 3 và Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh (có các đoạn qua tỉnh Long An) là hai tuyến đường huyết mạch mang tính kết nối vùng, giúp hạn chế phương tiện đi vào trung tâm Tp. Hồ Chí Minh để lưu thông theo hướng Đông - Tây. Theo quy hoạch được phê duyệt, hai tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe cao tốc. Tỉnh Long An kiến nghị Trung ương cho chủ trương để tỉnh làm chủ đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP); đồng thời tỉnh sẽ lập quy hoạch xây dựng khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến thuộc địa bàn tỉnh Long An để kêu gọi đầu tư.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, về cơ chế điều phối việc thực hiện, cần thành lập cơ quan chuyên trách trong chỉ đạo, triển khai điều phối liên kết vùng; trong đó có việc xây dựng hạ tầng giao thông liên vùng. Cùng với đó, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và TP Hồ Chí Minh cần quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng các đoạn nút giao của Quốc lộ 1 và Quốc lộ 50 do TP Hồ Chí Minh quản lý để tháo gỡ tình trạng “nút thắt cổ chai” trong lưu thông. Cụ thể, Quốc lộ 1 là đoạn nút giao đường Võ Văn Kiệt với Quốc lộ 1 đến nút giao đường dẫn vào cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương với Quốc lộ 1), Quốc lộ 50 đoạn từ nút giao Quốc lộ 50 với đường Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An.
Cùng góc nhìn này, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện Trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho rằng, cần sớm xây dựng quy chế phối hợp liên vùng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam bộ, duy trì cơ chế phối hợp với các tỉnh Đông Nam bộ đảm bảo hoạt động phối hợp thường xuyên và có hiệu quả trong triển khai đầu tư các dự án giao thông; chấp thuận chủ trương bổ sung vào quy hoạch một số dự án nhằm tăng cường và hỗ trợ kết nối.
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ vừa qua, đại diện UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh, thành trong các vùng kinh tế trọng điểm xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết và hợp tác phát triển kinh tế vùng giữa các bộ, ngành và địa phương.
Đầu tư cho “nút giao” TP Hồ Chí Minh
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, hạ tầng giao thông chậm phát triển, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và con người hàng chục năm qua đang là cản trở lớn nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Phân tích nguyên nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nhận thức về vai trò của Đồng bằng sông Cửu Long đối với phát triển của TP Hồ Chí Minh và vai trò của Tp. Hồ Chí Minh đối với phát triển khu vực này chưa đầy đủ, nên việc quy hoạch và triển khai hạ tầng giao thông của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh chưa đồng bộ, thiếu phối hợp và chưa tập trung vào các dự án trọng điểm cho cả vùng và Thành phố. Khi bàn về phát triển kinh tế - xã hội với giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì không có TP Hồ Chí Minh.
Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có hai tuyến vành đai (Vành đai 3 và Vành đai 4) với tổng chiều dài khoảng 287 km quy mô từ 6 - 8 làn xe, đảm nhận vai trò liên kết vùng. Tuy nhiên, đến nay mới đầu tư được vài đoạn ngắn, còn lại đều trong quá trình nghiên cứu đầu tư hoặc chưa có kế hoạch đầu tư.
Theo Thạc sỹ Phan Minh Tân, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam TEDIs, hệ thống đường vành đai của TP Hồ Chí Minh chưa hoàn thiện khép kín, đặc biệt là hướng đi về miền Tây để điều tiết lưu lượng từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thông qua TP Hồ Chí Minh. Các tuyến Quốc lộ trục ngang với vai trò hỗ trợ liên kết trong vùng để góp phần hỗ trợ phân bổ lưu lượng giữa các tuyến trục dọc vẫn chưa được hoàn thiện đồng bộ.
Kết nối giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 365,6 km (trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 58,2 km đường cao tốc và 14 km đường nối), có quy mô từ 6 - 8 làn xe. Hiện nay đã đầu tư giai đoạn 1 cho 3 tuyến với tổng chiều dài 172,9 km, đang nghiên cứu một tuyến với chiều dài 55 km, còn lại 2 tuyến với tổng chiều dài 137,7 km chưa có kế hoạch đầu tư.
Dưới góc độ nguồn lực cho hạ tầng giao thông, theo Tiến sĩ Dương Như Hùng, TP Hồ Chí Minh cần được thí điểm thu thuế bất động sản để phát triển hạ tầng giao thông vận tải, nguồn thu này sẽ giúp thành phố nâng cao năng lực phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng giao thông vận tải. Bên cạnh đó, hình thực hợp tác công tư (PPP) là chủ trương đúng đắn để thu hút đầu tư hạ tầng giao thông vận tải nhưng Chính phủ cần sớm xây dựng luật về PPP để giải tỏa các quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với hệ thống đường bộ trong vùng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ từng bước xây dựng hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang trong vùng để kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trung tâm đô thị trong vùng, kết nối các cảng biển, khu kinh tế đến các cửa khẩu như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tuyến Đức Hòa - Mỹ An - Vàm Cống.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương khẩn trương kêu gọi nguồn vốn đầu tư, từng bước hoàn chỉnh tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, giúp kết nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bài cuối: Tạo động lực cất cánh