Tạo đột phá về quy hoạch giao thông đường bộ

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch GTVT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch nhằm đạt mục tiêu khắc phục được tình trạng dàn trải trong các dự án đầu tư và đặt mục tiêu đầu tư phải có trọng tâm trọng điểm, tạo đột phá trong xây dựng các công trình giao thông.


Cần thiết phải điều chỉnh


Năm 2012, nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia đã về đích đúng hẹn, chất lượng công trình đã được cải thiện rõ rệt, đảm bảo yêu cầu như các dự án: Đường vành đai 3 giai đoạn 2 thành phố Hà Nội, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (gói thầu số 1), cầu Nhật Tân, cầu Bến Thủy II, cầu Rạch Chiếc, cảng hàng không Phú Quốc…


Đặc biệt là các dự án có tồn tại về chất lượng của các năm trước đã được sửa chữa, khắc phục, kịp thời đưa vào khai thác ổn định như: Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, dự án mở rộng quốc lộ 51… Kết quả này là nhờ sự tăng cường chỉ đạo, tập trung đầu tư có trọng điểm của Bộ GTVT.


Một đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vừa được đưa vào sử dụng. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Tuy nhiên, cũng có không ít dự án trọng điểm quốc gia đã, đang thi công được 50 - 80% kế hoạch, nhưng tồn tại nhiều bất cập, phải dừng, hoãn, giãn tiến độ và không ít dự án để xảy ra sự cố công trình, vừa làm xong đã bị hư hỏng, khiến Bộ GTVT phải “trảm” hàng loạt “tướng lĩnh” của các Ban quản lý dự án, thay các nhà thầu phụ và đốc thúc tiến độ các công trình như các dự án: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đài kiểm soát không lưu cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, điều chỉnh tuyến QL32C đoạn qua thành phố Việt Trì, QL3B Xuất Hóa - Pò Mã (Bắc Kạn); QL37 Tuyên Quang - Đèo Khế; đường Hồ Chí Minh (đoạn Pắc Bó - Cao Bằng), quốc lộ 1A đoạn Dốc Xây - TP Thanh Hóa… Thực tế này gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và kết quả hoạt động GTVT toàn ngành. Do đó, cần thiết phải được điều chỉnh ngay từ năm 2013.


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Điều chỉnh là một trong những khâu đột phá để thực hiện thành công Nghị quyết số 13-NQ/TW

Chiến lược phát triển GTVT giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến 2030 mới nhằm điều chỉnh lại một cách toàn diện và triệt để, theo hướng tránh đầu tư dàn trải, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào những dự án có tính khả thi theo từng giai đoạn phù hợp. Từng chuyên ngành: đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa sẽ phải xem xét lại danh mục dự án ưu tiên đầu tư đã đề ra trước đây. Mục tiêu lớn nhất của ngành GTVT theo điều chỉnh này là trở thành một trong những khâu đột phá để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam Trần Phúc Tiến: Từ nay đến 2020 chỉ tập trung đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam

Theo đó, việc điều chỉnh của ngành đường sắt tập trung vào thực hiện mục tiêu đảm bảo các chuyến tàu đúng giờ, an toàn, nâng cao chất lượng phục vụ và nâng dần tốc độ chạy tàu. Còn lại, toàn bộ các dự án khác đưa vào kế hoạch sau năm 2020, do nguồn lực đầu tư hiện nay khó đáp ứng được chiến lược phát triển ngành trước đây. Theo đó, thị phần vận tải của đường sắt từ nay đến năm 2020 cũng sẽ điều chỉnh giảm xuống và sẽ điều chỉnh tăng sau năm 2020. Sau năm 2030 mới tính đến làm đường sắt cao tốc.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh:Tập trung khai thác hiệu quả các sân bay lớn và mạng đường bay nội địa

Quy hoạch phát triển GTVT hàng không trước đây so với hiện nay đã bộc lộ những tồn tại cần được tháo gỡ như: Khả năng khai thác quốc tế đến tại các cảng hàng không còn chậm, lượng hành khách quốc tế đến Nội Bài và Đà Nẵng thấp, chưa xây dựng được đội tàu bay chở hàng riêng và thị phần vận chuyển hàng quốc tế hạn chế, số phi công nước ngoài chiếm tỉ lệ lớn, năng lực của các cơ sở bảo dưỡng tàu bay trong nước mới chỉ đảm nhận được phần lớn công tác bảo dưỡng thân tàu bay, còn bảo dưỡng động cơ và thiết bị phải thuê nước ngoài... Do đó, điều chỉnh chiến lược sẽ tập trung vào quy hoạch phát triển sát với yêu cầu thực tế theo hướng chú trọng kiện toàn nguồn nhân lực và đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Quy hoạch phát triển mạng đường bay sẽ tập trung vào khai thác hiệu quả các sân bay lớn và mạng đường bay nội địa, đảm bảo phù hợp với nhu cầu, tốc độ phát triển của đất nước.

Qua phân tích Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 35/2009/QĐ - TTg (ngày 3/3/2009), hiện nay đã xuất hiện một số vấn đề bất cập. Điển hình về đường bộ là trên tuyến quốc lộ 1A, mặc dù là tuyến giao thông huyết mạch, nhưng quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, mật độ giao thông trên tuyến lớn, một số đoạn hiện đã quá tải và phần lớn đoạn từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh sẽ quá tải sau năm 2015…


Đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện đang có nhiều đoạn nút cổ chai, nên khả năng thông qua tối đa chỉ được 32 đôi tàu/ngày đêm và theo dự báo sẽ quá tải vào năm 2015. Ngoài ra còn nhiều dự án đường sắt chưa có nguồn lực để triển khai theo quy hoạch.


Bên cạnh đó, các cảng biển cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang chậm tiến độ, cộng với sự thiếu đồng bộ giữa cầu cảng, bến và luồng vào cảng.


Thêm nữa, một số cảng hàng không quốc tế mới được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn chưa đồng bộ, hiện đại; ùn tắc giao thông đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh diễn ra thường xuyên và ngày càng trầm trọng; tiến độ đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các dự án đô thị quá chậm; trong khi tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng hiện nay chỉ đạt từ 10 - 12% và không thể đạt 35 - 45% như chiến lược đề ra.


Đối với công nghiệp đóng tàu, cỡ tàu đóng mới, sửa chữa không còn phù hợp với năng lực và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ nội địa hóa 70% cũng quá cao do công nghiệp phụ trợ chậm phát triển; tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp ô tô và máy thi công chỉ đạt 15 - 18% tùy loại sản phẩm...


Quan trọng nhất là việc đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, các hình thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến nay vẫn chưa huy động được nguồn lực ngoài nhà nước, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ và chia sẻ trách nhiệm của toàn dân. Chưa kể đến những hệ lụy phát sinh do chi phí vận tải cao, không hợp lý, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.


Ưu tiên các dự án chiến lược


Theo Quyết định số 35/2009/TTg, quy hoạch quốc lộ 1 chỉ có quy mô 2 làn xe, nhưng hiện nay tốc độ tăng trưởng vận tải trên hành lang này ngày càng gia tăng, nhiều đoạn hiện đã quá tải và sẽ quá tải trên toàn tuyến vào năm 2015, trong khi đó tiến độ đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam đang quá chậm; mục tiêu kết nối vào cấp toàn bộ các tuyến quốc lộ trước năm 2020 theo quy hoạch năm 2009 cũng khó khả thi; mục tiêu 3.000 km đường cao tốc hoàn thành vào năm 2020 trước những khó khăn về giải phóng mặt bằng hiện nay tại các địa phương cũng khó hoàn thành...


Trước thực trạng này, Bộ GTVT đã nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh lại đầu tư nhiều dự án lớn, tập trung cho các dự án trọng điểm, mang tầm chiến lược quốc gia. Trong đó, ưu tiên số 1 cho điều chỉnh này là đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, với dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ, bao gồm: Hoàn thành nâng cấp, mở rộng 1.054 km/1.887 km cơ bản đạt quy mô 4 làn xe cơ giới, các đoạn còn lại đạt cấp III, 2 làn xe.


Đường Hồ Chí Minh cơ bản nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe vào năm 2020, chỉ đầu tư nâng cấp một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn, trong đó ưu tiên quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Điều chỉnh quy hoạch mới cũng sẽ điều chỉnh chậm lại tiến độ các quốc lộ 14, 18, 19, 20, 91, 50, 51..., nhằm đảm bảo tính kết nối liên vùng giữa các địa phương. Dự án đường cao tốc Bắc - Nam cũng sẽ được điều chỉnh chậm lại, để tập trung hoàn thành các đoạn tuyến có lưu lượng vận tải lớn...


Để chuẩn bị cho điều chỉnh này, ngay từ năm 2013, Bộ GTVT sẽ tập trung rà soát lại toàn bộ các dự án giao thông đã và đang triển khai, trên cơ sở đó xây dựng danh mục và thứ tự ưu tiên đối với các dự án trọng điểm cần hoàn thành sớm, bao gồm các tuyến đường bộ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các tuyến đường trục và các sân bay, bến cảng, đường sắt có ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước; kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, phân bổ vốn và sử dụng không đúng đối tượng; chủ động cân đối vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ trong phạm vi quản lý.


Tại cuộc họp mới đây của Bộ GTVT về điều chỉnh này, theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, những bất cập tồn tại trong chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 trước đây do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, quy hoạch GTVT trước đây đã đề ra các mục tiêu cho ngành giao thông chưa sát thực tế; quá trình triển khai thực hiện chưa đạt được yêu cầu; phân bổ nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung vào các công trình trọng điểm thiết yếu; tiến độ triển khai các dự án chậm do thiếu vốn, do chậm giải phóng mặt bằng... Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh các dự án giao thông sẽ tập trung khắc phục việc đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.



Nguyễn Tiến

Hợp tác mở rộng quốc lộ 1 và thực hiện thu phí sử dụng đường bộ

Chiều 22/1, Bộ Giao thông và Vận tải và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ nhằm huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ các nhà đầu tư các dự án mở rộng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN