Tăng hiệu quả liều thuốc 'đặc trị' hỗ trợ doanh nghiệp - Bài cuối: Hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ là ngắn hạn

Thời gian vừa qua là giai đoạn nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước khi dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, song đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn.

Phóng viên TTXVN đã ghi nhận các ý kiến doanh nghiệp về tâm tư, nguyện vọng cũng như đề xuất tới Chính phủ, các bộ ngành về những giải pháp trong hiện tại và dài hạn.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại xí nghiệp may sơ mi, veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

* Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas): Đồng bộ chính sách hỗ trợ

Dịch COVID-19 gây cho ngành dệt may thiếu đơn hàng khiến 30% công nhân ngành thiếu việc trong tháng 4 và 70% lao động còn lại chỉ làm việc khoảng 60% công suất; có hàng trăm nghìn lao động bị thiếu hoặc mất việc làm. 

Đến nay, các doanh nghiệp lớn có trên 1.000 lao động đã chuyển hướng sản xuất các mặt hàng phục vụ mùa dịch như khẩu trang, găng tay, bảo hộ... Doanh nghiệp nhỏ và vừa tập trung khai thác thị trường nội địa và vẫn duy trì được nhịp độ sản xuất.

Dù các doanh nghiệp phục hồi nhưng các khó khăn vẫn còn đó, như vận chuyển hàng, giao hàng xuất khẩu do số lượng container khan hiếm, giá cả thuê container tăng vọt. Việc thu hút lao động làm việc trở lại cũng vô cùng khó khăn do đây là lúc cao điểm của dịch COVID-19. Bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính để phục vụ sản xuất, duy trì đội ngũ công nhân lao động…

Thời gian qua, Chính phủ đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ, tuy nhiên số doanh nghiệp tiếp cận không nhiều. Giải pháp hiện nay các doanh nghiệp mong đợi từ Chính phủ là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chịu tác động mạnh do dịch bệnh; hoãn và giảm nộp thuế trong năm 2021 tạo điều kiện phục hồi phục sản xuất, trang trải những khó khăn về tài chính. Đặc biệt, có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi... Các giải pháp này cần sớm được thực hiện để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp lâu dài, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các bước đàm phán, phê chuẩn các Hiệp định thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để minh bạch và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Các chương trình xúc tiến thương mại cần được tiếp tục và dài hơi hơn. Trong chiến lược phát triển ngành dệt may, cần chính sách thu hút, cấp phép các dự án dệt nhuộm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách áp dụng công nghệ 4.0.

* Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty cơ khí SKD Việt Nam: Khó tiếp cận vốn vay

Thời điểm sau Tết Nguyên đán hàng năm, doanh nghiệp thường đẩy mạnh sản xuất để trả đơn hàng cho các đối tác. Nhưng từ năm ngoái, tình hình trở nên rất khó khăn. Dịch bệnh khiến cho các đơn hàng giảm, trong khi đó, các chi phí như nhân công lao động, tiền thuê nhà xưởng vẫn phải duy trì.

Năm ngoái, khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, các đơn hàng cũ vẫn còn nên doanh nghiệp vẫn có thể duy trì sản xuất, nhưng dịch bệnh kéo dài đến nay, khiến khó có thể trụ vững. Hiện nay, ngoài khó khăn trong xuất khẩu, việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng bị chậm trễ, giá cả leo thang.

Chính phủ đã có thêm các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Doanh nghiệp sản xuất yếu kém, thậm chí phải dừng sản xuất sẽ không thể có doanh thu.

Về vấn đề vay vốn, các yêu cầu, quy định khiến việc tiếp cận cũng còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp muốn vay vốn phải có tài sản đảm bảo, doanh thu... nhưng với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì điều này rất khó. Mong muốn sao, doanh nghiệp được tiếp cận các gói hỗ trợ như vay vốn ưu đãi dễ dàng hơn, lãi suất giảm sâu hơn nữa để tạo điều kiện phục hồi.

Ngoài ra, Chính phủ cần phải có các giải pháp dài hạn hơn, như tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bước vào phục hồi. Đặc biệt, nhà nước cần đẩy mạnh cải thiện hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi trong kinh doanh hơn nữa.

* Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Tiếp tục giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp

Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng với tỷ lệ giảm từ 0,1-0,3%/năm là quá ít nên cũng không hỗ trợ nhiều doanh nghiệp. Mặt khác các gói hỗ trợ cho người lao động vẫn còn vướng nhiều thủ tục nên các đối tượng được hưởng tại doanh nghiệp chưa nhiều.

Các doanh nghiệp vận tải đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục như: cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, nâng cao chất lượng vận tải, điều chỉnh lại luồng tuyến… Từ đó, giúp các doanh nghiệp giữ chân người lao động, giảm bớt các chi phí phát sinh, sớm ổn định hoạt động kinh doanh.

Nhưng một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp vận tải lo lắng nhất hiện nay là áp lực phải trả nợ sau hai năm liên tiếp điêu đứng vì COVID-19. Đây là lúc họ cần sự “tiếp sức” của Nhà nước hơn lúc nào hết. Vì thế, cần có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp vận tải đường bộ có được bước đệm tiếp tục duy trì hoạt động và phục hồi.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp vận tải đường bộ ‘lao đao’ vì hoạt động cầm chừng. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Với diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp, tôi cho rằng khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Doanh thu thấp khiến doanh nghiệp vận tải rơi vào cảnh càng chạy càng lỗ nếu không có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Vì vậy, ngoài việc các doanh nghiệp tự tìm giải pháp vượt khó phù hợp với tình hình cụ thể của từng đơn vị thì để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn được các ngân hàng thương mại giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ gốc, lãi vay các khoản đầu tư của doanh nghiệp như các gói hỗ trợ mà năm 2020 Chính phủ đã triển khai.

Về phía Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội đề xuất cho lùi thời hạn lắp camera hoặc lùi thời gian xử lý vi phạm lắp camera theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghị định 10 quy định trước ngày 1/7/2021 xe chở khách từ 9 chỗ ngồi chở lên, xe container và xe đầu kéo phải hoàn thành việc lắp camera trên xe.

Bởi khi thực hiện quy định này doanh nghiệp phải đầu tư từ 5-10 triệu đồng/xe, đấy là chưa kể việc hàng tháng phải mất từ 100-200 nghìn đồng/xe để trả phí 4G cho việc duy trì đường truyền. Trong bối cảnh hiện nay đây là gánh nặng tài chính không nhỏ cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, tôi cho rằng, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiên cứu tiếp tục miễn giảm phí bảo trì đường bộ cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ.

Đức Dũng - Quang Toàn (TTXVN)
Tăng hiệu quả liều thuốc 'đặc trị' hỗ trợ doanh nghiệp - Bài 3: Thêm nguồn lực vượt bão COVID-19
Tăng hiệu quả liều thuốc 'đặc trị' hỗ trợ doanh nghiệp - Bài 3: Thêm nguồn lực vượt bão COVID-19

Dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế. Bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2020 nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN