Theo đó, các đơn vị trong ngành chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới; bám sát, thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Bộ Tài chính cũng cho biết, trong điều hành ngân quỹ và huy động vốn, quản lý chặt chẽ nợ công, tiếp tục thực hiện tổ chức đấu thầu, thanh toán gốc, lãi, phí trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2018; hoàn thiện phương án thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước đối với mô hình Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh theo hướng rút ngắn tối đa số bước, giảm tối thiểu thời gian xử lý và đảm bảo yêu cầu quản lý.
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 10 tháng ước đạt 1.120,3 nghìn tỷ đồng, bằng 84,9% dự toán năm, tăng 15,1% so cùng kỳ năm 2017; trong đó, thu nội địa ước đạt 896,8 nghìn tỷ đồng, bằng 81,6% dự toán năm, tăng 15,8% so cùng kỳ năm 2017.
Không kể các khoản như thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn ngân sách nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế và thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu nội địa còn lại ước đạt 682,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,6% dự toán năm, tăng khoảng 13% so cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 đạt 76,6% dự toán, tăng 9%).
Bộ Tài chính đã chỉ đạo tổ chức điều hành các giải pháp thu ngân sách nhà nước nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2018; tăng cường quản lý thu trên địa bàn, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.
Về chi ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 1.103,1 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán năm, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2017. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến ngày 26/10/2018 đã thực hiện phát hành 141,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đáp ứng đủ nguồn để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách Trung ương theo dự toán năm.