Thời gian qua, giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng khiến đời sống của người dân càng khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Để hạn chế tình trạng trên, TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phát huy hiệu quả của chương trình bình ổn giá, nhằm ổn định giá cả thị trường và đảm bảo an sinh xã hội.
Cầu nối dòng chảy
Có thể nói, qua 12 năm thực hiện, chương trình bình ổn giá đã đem lại những tác động tích cực trong việc dẫn dắt mặt bằng giá và có tầm ảnh hưởng ổn định giá ở các địa phương khác.
Chương trình bình ổn giá đã giúp điều tiết ổn định giá cả trên thị trường TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. |
Tiến sĩ Mã Văn Tuệ, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận định: Chương trình bình ổn giá của thành phố đã góp phần kiểm soát tình trạng đầu cơ, hiện tượng tăng giá đột biến, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bình ổn thị trường, đặc biệt là trong thời gian trước, trong và sau Tết. Mặt khác, chương trình đã góp phần nâng cao quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa thành phố với các địa phương theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn. Ngoài ra, còn góp phần thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bởi các mặt hàng trong chương trình này đều do các doanh nghiệp (DN) trong nước và DN của thành phố sản xuất.
Ở góc độ khác, chương trình đã giúp các DN tham gia an tâm đầu tư về con giống, công nghệ hiện đại để mở rộng sản xuất và góp phần giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, qua đó các DN thành phố đã chủ động, mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, cung ứng vốn cho người nông dân tại các địa phương khác.
Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết: Qua 8 năm triển khai và tham gia chương trình bình ổn của thành phố, thì ý nghĩa rất lớn của chương trình là nối dòng chảy giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Trước đây khi chưa tham gia bình ổn giá, mỗi khi đến Tết, tiểu thương đẩy giá trứng tới hơn 40.000 đồng/chục, trong khi người nông dân không được hưởng lợi vì giá thu mua thấp. Khi tham gia chương trình bình ổn, cả DN và người tiêu dùng, người sản xuất đều được hưởng lợi. Đối với DN dù trước mắt tỉ lệ lợi nhuận có thể giảm nhưng sẽ thu lợi lớn. Chẳng hạn trước kia một ngàn trứng, DN lời 200.000 nhưng khi tham gia bình ổn thì DN chỉ lời 20.000 nhưng lại bán được nhiều hơn và một tuần có thể thu về hàng tỉ đồng. Mặt khác, DN còn được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng vào sản phẩm. Do đó, sản phẩm của chúng tôi đảm bảo được đầu vào đầu ra ổn định. Người sản xuất thì bán được hàng với giá gần và bằng với thị trường, còn người tiêu dùng được dùng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tăng cường liên kết
Phát triển và đa dạng nguồn hàng đáp ứng cho chương trình bình ổn giá, hình thành những vùng nguyên liệu, vùng sản xuất đảm bảo nguồn cung và mạng lưới tiêu thụ hàng hóa được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình bình ổn giá của Thành phố Hồ Chí Minh.
Cửa hàng tiện ích của Công ty TNHH Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh tại quận Bình Tân (TP.HCM) bán hàng theo giá bình ổn thị trường. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết: TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc bình ổn thị trường. Để có được kết quả này, thành phố đã nỗ lực tạo cầu nối để DN kết nối với các DN, bà con nông dân trong vùng nguyên liệu. Bởi muốn bình ổn thị trường, trước hết DN phải có nguồn nguyên liệu dồi dào. Mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn, 600 con trâu bò. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của thành phố không thể đảm bảo được nguồn cung, nên DN phải tăng cường liên kết với các vùng kinh tế, vùng nguyên liệu. Nếu như trước đây, DN không đủ hàng cung cấp cho thị trường thành phố thì từ khi áp dụng phương pháp trên, công ty không chỉ đảm bảo nguồn hàng tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố mà còn đảm bảo nguồn hàng tham gia bình ổn giá trên cả nước.
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh: Để đạt được những mục tiêu của chương trình, trước hết về giá, DN được tự đưa ra giá chứ không bị ép giá. Nhưng khi DN tham gia chương trình, DN phải đảm bảo điều kiện, khi có tăng giá đột biến thì DN phải can thiệp thị trường bằng mọi hình thức đưa hàng hóa ra thị trường để ổn định. Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho chương trình, thành phố xác định liên kết bền vững, căn cơ với các vùng kinh tế, vùng nguyên liệu lân cận. Trước hết, thành phố tăng cường liên kết hợp tác với các vùng nguyên liệu về lúa gạo, thực phẩm như ĐBSCL, Đông Nam bộ... Đơn cử như về nguồn cung rau, thành phố đã ký kết với tỉnh Lâm Đồng để cung cấp rau xanh an toàn cho thành phố với giá bình ổn thấp hơn giá thị trường khoảng 5%. Sắp tới, thành phố sẽ đề nghị các tỉnh ĐBSCL xác định thế mạnh của mình để ký kết hợp tác với thành phố nhằm đảm bảo nguồn hàng bình ổn.
Không chỉ tăng cường liên kết với các vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung, chương trình bình ổn giá của thành phố còn tăng cường liên kết với các đơn vị Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh nhằm triển khai mạng lưới phân phối thực hiện chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là đưa hàng hóa vào các khu dân cư, KCX - KCN đã mang lại những kết quả khả quan.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết