Tận dụng lợi thế từ FTA để gia tăng xuất khẩu

Cùng với các nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo Bộ Công Thương, phát triển thương mại, thúc đẩy xuất khẩu là tác động lớn nhất mà FTA mang lại cho Việt Nam. Hiện tại, ASEAN là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ ba của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Nhiều cam kết giảm thuế và mở của thị trường


Cùng với việc thực hiện cam kết FTA, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã, đang và sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Thực tế thực thi các cam kết FTA trong giai đoạn 2006 - 2012 cho thấy, với những thị trường xuất khẩu mà Việt Nam có các cam kết FTA. Trong giai đoạn 2006 - 2012, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam đã tăng hơn 20%, cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (khoảng 15%). Mặt khác, nhờ hiệu ứng của FTA, mặt hàng xuất khẩu sang một số đối tác như ASEAN, Ấn Độ và Nhật Bản ngày càng đa dạng hơn.


 

May hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Thiệu Đô (Thanh Hóa) .

Đặc biệt, tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, thị phần của hàng Việt Nam đã tăng đột biến. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chủ động tích cực hơn trong việc tận dụng các ưu đãi về thuế quan trong các FTA. Riêng với Hàn Quốc đã có trên 90% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế thông qua FTA ASEAN - Hàn Quốc.


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, hiện nay, Việt Nam đã ký kết được 8 hiệp định thương mại tự do với các nước trong ASEAN. Nhu cầu các thị trường này chiếm 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của thế giới tương đương 3.300 tỷ USD. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này chiếm khoảng 46,7% tổng kim ngạch nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA là 53,5 tỷ USD. Nếu sau này kết thúc đàm phán với các nước EU thì dung lượng thị trường xuất khẩu của Việt Nam được hưởng các ưu đãi giảm thuế sẽ lớn hơn nhiều, chiếm khoảng 86% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

 

Tận dụng lợi thế


Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, so với doanh nghiệp nước khác, khả năng tận dụng các cam kết mở cửa thị trường theo các FTA của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân thứ nhất là hiện nay không ít doanh nghiệp chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi về thuế quan. Sự thiếu quan tâm này làm cho doanh nghiệp mất đi lợi ích về thuế, khả năng cạnh tranh, hàng hóa trên thị trường quốc tế. Thứ hai là sự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của các doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận xuất xứ diễn ra chậm và chưa đáp ứng được các nhu cầu hiện nay.


Do đó, để tận dụng có hiệu quả những lợi thế từ các FTA, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tập trung vào các giải pháp đẩy nhanh các chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, hỗ trợ nhằm tăng khả năng nội địa hóa các sản phẩm đạt yêu cầu các tiêu chí về xuất xứ để được giảm thuế cho hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, để phục vụ tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó, chú trọng nghiên cứu, nâng cấp hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.


Theo những cam kết mới nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các nước ASEAN thực hiện các cam kết FTA, các nước trong khối đã thống nhất thực hiện hài hòa hóa các tiêu chuẩn, quy tắc, thủ tục về chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Việc thực hiện cơ chế này đã giúp gia tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được giảm thuế khi xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN.


Đỗ Thảo Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN