Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Vinh, nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học RMIT của Australia, rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác cho vấn đề này.
Chuỗi cung ứng sẽ phục hồi rất chậm chạp
PGS.TS. Thái Văn Vinh nhận định, trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nhiều dự báo cho thấy các chuỗi cung ứng sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay, hoặc chậm nhất là sang đến quý I/2023.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại “Lục địa già” đã khiến mọi suy đoán trở nên “trật bánh”. Sự kiện này trở thành chất xúc tác đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu vào tình trạng khủng hoảng nặng nề hơn, thậm chí có thể nói là chưa từng thấy trong lịch sử.
Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp chính các mặt hàng như lúa mỳ, dầu hạt cải, kim loại, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, cho nhiều quốc gia trên thế giới. Tiến sỹ Jason Furman, chuyên gia kinh tế học thuộc Đại học Harvard và từng là cố vấn của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã ví Nga như một "trạm xăng lớn". Khi một trạm xăng đóng cửa, thiệt hại sẽ không đồng đều do phụ thuộc vào từng khách hàng.
Rõ ràng việc các nước phương Tây liên tục gia tăng lệnh trừng phạt đối với Nga đã khiến giá nhiên liệu thế giới tăng chóng mặt, trực tiếp đẩy chi phí vận tải quốc tế lên ngưỡng cao hơn từ một mức vốn đã cao được thiết lập trong suốt hai năm của đại dịch.
PGS.TS. Thái Văn Vinh cho rằng, với một tương lai khó đoán trước được của cuộc xung đột, trạng thái phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ càng trở nên khó khăn hơn và chắc chắn sẽ kéo dài hơn so với các dự báo được đưa ra trước đó.
Ông dự đoán, trong một kịch bản lạc quan nhất, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể trở lại tình trạng như trước đại dịch vào quý II/2023, hoặc chậm hơn là vào cuối năm 2023.
Hình thái mới của chuỗi cung ứng toàn cầu
Để đối phó với những khó khăn gây ra bởi chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng từ đại dịch và bất ổn địa chính trị, các quốc gia và doanh nghiệp buộc phải có sự thay đổi để thích ứng.
Điều này dẫn đến việc chuỗi cung ứng toàn cầu dần tiến tới một hình thái mới, bao gồm nhiều sự chuyển đổi kinh tế theo xu hướng đổi mới, áp dụng tiến bộ khoa học và số hóa nhằm đảm bảo một chuỗi cung ứng ổn định và an toàn hơn.
Chính phủ các nước giờ đây có xu hướng tập trung vào việc xây dựng những chuỗi cung ứng khép kín trong nước, hoặc trong khu vực lân cận, để tăng cường bảo vệ quyền tiếp cận các loại hàng hóa quan trọng và thiết yếu.
Tại Trung Quốc, động thái hướng tới mục tiêu “tự lực cánh sinh” được gọi là "tuần hoàn kép". Tại Liên minh châu Âu (EU), để bảo vệ ngành công nghệ then chốt, chính sách "Chủ quyền Công nghệ" đã ra đời.
Trong khi đó, ở Mỹ, những nỗ lực tương tự có thể được quan sát thấy qua chính sách "Chips for America" (Chip cho nước Mỹ) trị giá 52 tỷ USD, nhằm đưa ngành sản xuất vi mạch của Mỹ, hiện chiếm thị phần 12% trên toàn thế giới, phục hồi về mức khoảng 40%, tương đương với hiện trạng của giai đoạn 1990.
Về phía các doanh nghiệp, hầu hết đang nỗ lực làm cho chuỗi cung ứng trở nên mạnh mẽ hơn bằng cách xây dựng lại hệ thống sản xuất, đa dạng nhà cung cấp và nguồn nguyên liệu đầu vào.
Những thay đổi đó bao gồm cả sự chuyển dịch địa điểm đặt nhà máy sản xuất, xây dựng lại hệ thống nguồn cung gần nơi sản xuất. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong cấu trúc sản xuất của thế giới, sự dịch chuyển lao động và ngành sản xuất, dần biến chuỗi cung ứng của thế giới ngày càng giống với “mạng lưới cung ứng” hơn.
Để chuỗi cung ứng ngày càng bền vững
Giáo sư Willy Shih của trường Đại học Harvard và là thành viên của Ủy ban tư vấn cho Bộ Thương mại Mỹ cho rằng đại dịch COVID-19 đã trở thành lời cảnh tỉnh cho các nhà quản lý, cả ở cấp vĩ mô và vi mô.
Giáo sư Shih nói hiện thế giới đang chứng kiến xu hướng các công ty và quốc gia tìm cách tái định vị chuỗi cung ứng trong các khối thương mại khu vực.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất thế giới, đạt được sự đồng thuận chung và đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay. RCEP có mục tiêu giúp thúc đẩy hoạt động thương mại toàn cầu nhộn nhịp trở lại, cũng như đóng góp vào một tương lai bền vững hơn của thế giới, sau đại dịch COVID-19.
Trong một báo cáo công bố vào tháng 9/2020, nhóm các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định các hiệp định thương mại sâu rộng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các mô hình kinh doanh mới. Mạng lưới cung ứng có thể được mở rộng và tăng cường thông qua các chính sách nhằm xúc tiến công cụ kết nối kỹ thuật số từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B), nâng cao kỹ năng và năng lực cũng như cơ sở hạ tầng kho vận bổ trợ.
Theo WB, cách tiếp cận phối hợp giữa chính phủ và khu vực tư nhân có khả năng trở nên quan trọng hơn trong tương lai. Việc phối hợp như vậy có thể giúp các nước đang phát triển thúc đẩy áp dụng và phổ biến công nghệ, xây dựng năng lực của doanh nghiệp trong nước và thực hiện các chiến lược mới nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là từ các doanh nghiệp giúp gia tăng giá trị cho chuỗi cung ứng trong nước.
Xây dựng năng lực thích ứng và phục hồi
Để các doanh nghiệp có thể “trụ vững” trước các rủi ro gây đứt gãy chuỗi cung ứng, PGS.TS. Thái Văn Vinh lưu ý các nhà quản trị cần tập trung vào việc xây dựng một hệ thống năng lực thích ứng và năng lực phục hồi.
Ông giải thích doanh nghiệp không bao giờ có thể loại trừ 100% rủi ro xảy ra trong chuỗi cung ứng. Do đó, thay vì tìm kiếm giải pháp ngăn chặn hoàn toàn các nguy cơ có thể xảy ra, doanh nghiệp nên đầu tư vào việc xây dựng kịch bản đối phó với những rủi ro tiềm tàng. Chẳng hạn như khi có vấn đề xảy ra thì cần phản ứng thế nào, làm thế nào để phục hồi nhanh, làm thế nào để quay lại cách thức hoạt động bình thường một cách nhanh nhất…
Nhà nghiên cứu của Đại học RMIT lý giải có ba năng lực chủ đạo mà các nhà quản trị doanh nghiệp cần phải quan tâm. Đó là năng lực nhận biết chuyện gì có thể xảy ra, xảy ra tại đâu, xảy ra như thế nào; năng lực hồi đáp với những vấn đề xảy ra; và năng lực phục hồi. Tức là sau khi sự việc xảy ra và doanh nghiệp đã thực hiện một loạt các biện pháp hồi đáp, ứng phó thì sau đó doanh nghiệp cần phải rút ra các bài học, điều chỉnh các dạng của chuỗi cung ứng như thế nào để khi có một sự cố tương tự xảy ra trong tương lai thì sẽ có thể phục hồi tốt hơn.
Theo PGS.TS. Thái Văn Vinh, đại dịch đã tác động vô cùng to lớn vào các hoạt động kinh tế và chuỗi cung ứng, đặc biệt là khi nền kinh tế thế giới đang có sự toàn cầu hóa và liên kết rất sâu rộng. Điều này làm nổi bật lên vai trò quan trọng của vấn đề chuyển đổi số và chia sẻ thông tin.
Ông nhấn mạnh các doanh nghiệp nên quan tâm tới vấn đề “vẽ bản đồ của chuỗi cung ứng” (supply chain mapping). Đây là một công tác đóng góp vào việc dự báo trước các kịch bản có thể xảy ra đối với chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc vẽ một bản đồ hoàn chỉnh của chuỗi cung ứng là không dễ dàng đối với bất kỳ doanh nghiệp thuộc quy mô nào.
PGS.TS. Thái Văn Vinh cho rằng để làm được điều đó, thông tin cần được cập nhật theo thời gian thực. Điều này đòi hỏi việc chia sẻ thông tin trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là việc hết sức quan trọng, dựa vào rất nhiều nền tảng kỹ thuật, bao gồm sự phối hợp trong các khâu lập kế hoạch, xây dựng niềm tin để chia sẻ thông tin, các biện pháp hỗ trợ ở cấp vĩ mô để tạo điều kiện cho việc chia sẻ thông tin đó xảy ra…
PGS.TS. Thái Văn Vinh lưu ý trong quá trình vận hành, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chú trọng hơn nữa hoạt động quản trị rủi ro.
Theo ông, đôi khi là do nguồn lực hạn chế nên doanh nghiệp không quan tâm tới vấn đề đó, hay một số nhà quản trị cho rằng rủi ro không xuất hiện thường xuyên nên tạm thời chưa cần tính toán đến.
Đó là hành động không bền vững, vì theo nhà nghiên cứu của Đại học RMIT, trong bối cảnh mà các chuỗi cung ứng đang kết nối rất sâu rộng như hiện nay, bất kỳ một việc xảy ra ở đâu đó cách xa hàng nghìn km, thì ngay lập tức vẫn có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đó không có kế hoạch chuẩn bị để đối phó hay không có dự báo, kế hoạch dự phòng nào.