Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Phải có cơ chế giám sát

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty đã được xác định là 1 trong 3 trụ cột thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, việc hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đối với DNNN đã được nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam “hiến kế”.

Nhiều ý kiến đồng tình: Để nâng cao hiệu quả quá trình tái cấu trúc DNNN trong thời gian tới, DNNN cần xác định đúng hướng đi và có thêm cơ chế giám sát để các DNNN tham gia thị trường phải tuân thủ nghiêm túc “luật chơi”.

Chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải

Mặc dù khu vực DNNN vẫn đang chiếm vai trò quan trọng trong việc tạo cú huých và duy trì động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng theo Vụ đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), các DNNN mà nòng cốt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TCT) hàng năm chỉ đóng góp khoảng 35% GDP của cả nước, tạo ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa.

Dây chuyền sản xuất ống thép dầu khí của Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí thuộc Tổng công ty khí VN (PV gas).


Theo TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), các DNNN đang chiếm giữ một nguồn lực rất lớn nhưng sự đóng góp cho nền kinh tế chưa tương xứng, xét cả về tỷ trọng đóng góp cho GDP, giải quyết việc làm và hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất (đất đai, tiền vốn, nguyên vật liệu...).

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Các DNNN nói chung, nhất là các tập đoàn, TCT chưa thực hiện đầy đủ các chức năng được giao như kỳ vọng. Theo ông Cung, mấy năm gần đây, các tập đoàn, TCT có xu hướng mở rộng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực theo mô hình công ty mẹ - công ty con với hàng trăm công ty con, công ty liên kết; tạo thành những “lãnh địa” kinh doanh khép kín từ huy động vốn, đầu tư, xây dựng, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đã hạn chế sự chi phối hay tác động của nguyên tắc và cơ chế thị trường. Điều này dẫn đến việc DNNN hoạt động không đạt hiệu quả như mong muốn.

“Riêng đối với vấn đề đầu tư ngoài ngành của DNNN, đặc biệt là của các tập đoàn và TCT, tôi cho rằng không phải là kiểm soát hay giám sát mà cần phải kiên quyết cấm đầu tư ngoài ngành”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói.

Theo ông Ánh, do bản chất của khu vực DNNN là được Nhà nước cấp vốn và các điều kiện khác để hoạt động trong những lĩnh vực mà các doanh nghiệp phi nhà nước không được tham gia chứ không phải là DNNN cũng chạy theo lợi nhuận, càng không phải là DNNN sử dụng vốn được giao hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh cao hơn so với doanh nghiệp phi nhà nước. Việc cấm các DNNN đầu tư ngoài ngành liên quan tới vai trò chức năng của DNNN chứ không phải là do DNNN đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, thua lỗ hay đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao.

Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đề xuất: Trong quá trình tái cấu trúc DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và TCT, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, TCT đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính. Một số chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh: Phải kiên quyết cắt những dự án đầu tư nếu không đạt các tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội và chưa bảo đảm các yêu cầu về thủ tục để tập trung vốn cho các dự án bảo đảm hoàn thành trong hạn định và có hiệu quả cao; cắt giảm các công trình đầu tư công bằng nguồn ngân sách có quy mô quá lớn, chưa thật cấp bách, có thời gian đầu tư dài.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay Nhà nước thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi”. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng Luật quản lý vốn nhà nước hoặc Luật đầu tư công, tạo cơ sở pháp lý cần thiết điều chỉnh bằng luật đối với các hoạt động đầu tư công, trong đó có đầu tư của các DNNN trong 2 dạng hoạt động vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.

Quy rõ trách nhiệm của lãnh đạo, minh bạch thông tin

Theo TS. Vũ Đình Ánh, việc quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của lãnh đạo DNNN là một trong những nội dung then chốt của cơ chế quản lý, giám sát DNNN. Ông Ánh cho biết: Việc tiết kiệm, cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và các nguồn lực khác là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của tất cả các doanh nghiệp, trong đó có các DNNN. Vấn đề là ở chỗ Nhà nước phải tạo ra được cơ chế quản lý DNNN để cán bộ lãnh đạo DNNN phải có ý thức trách nhiệm cao nhất trong việc sử dụng tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất những nguồn lực được Nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ được giao chứ không phải là thu được lợi nhuận cao nhất từ số vốn được Nhà nước giao.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, những bất cập, hạn chế của không ít DNNN trong thời gian qua có nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý, thiếu cơ chế giám sát, cơ chế quy định trách nhiệm cụ thể đối với các cấp lãnh đạo DNNN. Trong tiến trình cơ cấu lại DNNN phải khắc phục nhược điểm này.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam) cũng nhấn mạnh: Hoạt động của DNNN cần phải được công khai minh bạch thông tin, từng bước nâng lên như công khai trên thị trường chứng khoán. Thực tế hiện nay, các thông tin về các DNNN thường chậm và thiếu sót, do cách thức quản lý thiếu công khai. Bên cạnh đó, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của nhân dân đối với DNNN.

Liên quan tới vấn đề này, một chuyên gia kinh tế đã đề xuất việc xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy, cập nhật, rõ ràng, minh bạch về các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, TCT và các doanh nghiệp có vốn nhà nước khác; đảm bảo hệ thống thông tin này là một trong những căn cứ tin cậy được sử dụng trong quản lý, giám sát thực hiện chức năng chủ sở hữu DNNN ở cấp vĩ mô (các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội). Theo đó, thông tin về DNNN bao gồm: Danh sách, số lượng DNNN; ngành nghề kinh doanh chính; vốn nhà nước; vốn đầu tư; kết quả và hiệu quả kinh doanh.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN