Sức tiêu thụ hàng hoá tăng từ 20-30% những ngày cận Tết

Chiều tối ngày 5/2, Đoàn Công tác của Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm tra công tác triển khai phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm Tết tại các siêu thị. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Qua kiểm tra thực tế, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết được chuẩn bị đầy đủ. Nhu cầu mua sắm của người dân tăng 20-30%, nhất là thời điểm sau Tết ông Công ông Táo, các nhà phân phối cũng cam kết giữ bình ổn giá.

Qua kiểm tra về chất lượng hàng hóa, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của thành phố để kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn và triển khai đồng loạt trên 30 quận, huyện, thị xã.

Theo đó, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của thành phố đã tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành triển khai trên các điểm kinh doanh sản xuất trên địa bàn thành phố. 

Đặc biệt, thường xuyên có đợt kiểm tra đột xuất đối với những chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ để đảm bảo chất lượng hàng hóa khi đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Đối với toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật và phải niêm yết công khai chứng nhận đủ đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Bên cạnh đó, các cơ sở phân phối kinh doanh đều phải kiểm soát bảo đảm chất lượng đầu vào, các sản phẩm đều phải có tem truy xuất nguồn gốc, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, chứng minh bảo đảm đúng các quy định của nhà nước. 

Chú thích ảnh
Đoàn Công tác của Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội đi kiểm tra hàng hóa phục vụ tết. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Theo báo cáo của các siêu thị cho thấy, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-25% tùy từng mặt hàng so với cùng kỳ Tết năm 2023; trong đó, trọng tâm là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Tại các điểm bán, lượng hàng hóa được tăng cường 15-40% sẵn sàng phục vụ của người dân (tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 90%).
 
Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

Đến thời điểm hiện tại, hàng hóa phục vụ Tết tại các hệ thống phân phối dồi dào, đa dạng, giá cả không có biến động lớn sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết: công tác chuẩn bị hàng Tết được siêu thị triển khai cách đây 6 tháng. Trong đó, 9 nhóm hàng lương thực thực phẩm thuộc chương trình bình ổn thị trường được dự trữ tăng từ 20 - 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng. Do đó, nguồn cung hàng hóa dồi dào và đầy đủ để đáp ứng người tiêu dùng.

Theo đúng dự báo của siêu thị, lượng khách hàng tăng thời điểm từ khoảng trước Tết 3 tuần, và đặc biệt lượng khách hàng từ sau Tết ông Công ông Táo đến thời điểm này tăng khoảng 30%.

Cùng với đó, siêu thị luôn đề cao vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm OCOP,… các nguồn hàng được siêu thị vận chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố về phục vụ nhu cầu tiêu dùng Thủ đô dịp Tết này. Lượng tiêu thụ hàng Tết, đặc biệt là hàng Việt tại siêu thị tăng trưởng từ 15-20%, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết.

Theo Bộ Công Thương, công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được triển khai từ rất sớm. Đến nay, tình hình hàng hóa dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, giá cả không có biến động bất thường. 

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng của Hà Nội kiểm tra chất lượng hàng hóa Tết. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Riêng tại thành phố Hà Nội, thành phố tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 32 đơn vị tham gia Chương trình, cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán. 

Lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết): gạo 292,95 nghìn tấn; thịt lợn 58,5 nghìn tấn, thịt gia cầm 19,5 nghìn tấn, thịt bò 16,2 nghìn tấn, trứng gia cầm 390 triệu quả, rau củ  325,5 nghìn tấn; trái cây 157 nghìn tấn... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với thực hiện Tết 2023).

Chương trình bình ổn thị trường của thành phố Hà Nội đều có sự tham gia của các đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, Aeon…; Một số đơn vị cung ứng chủ lực các mặt hàng lương thực, thực phẩm như: Vissan, C.P Việt Nam, Ba Huân…

Nam Giang (TTXVN)
Không để xảy ra biến tướng, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi trong dịp Tết
Không để xảy ra biến tướng, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi trong dịp Tết

Chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, Bộ vừa có văn bản đề nghị lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo, các cơ sở tín ngưỡng bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN