Đây là diễn đàn đầu tiên đề cập về phát triển khu vực Đông Bắc Bộ và vai trò của 2 địa phương lớn là Hải Phòng và Quảng Ninh. Khi nhắc đến Đông Bắc Bộ sẽ liên tưởng đến Đông Bắc Á, hy vọng đây sẽ là mô hình thành công của Việt Nam, như khu vực Đông Bắc Á.
“Cần có giải pháp đột phá phát triển kinh tế vùng khu vực Đông Bắc Bộ để các tỉnh có thể ‘nắm tay nhau’ cùng phát triển”, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khu vực Đông Bắc vẫn chưa có sự liên kết. Mặc dù đây là 2 "ngôi sao" về cải cách và tăng trưởng nhưng cần phải có giải pháp để cộng hưởng, tạo sức mạnh, tạo lợi thế để phát triển khu vực này. “Đơn cử, việc không liên kết được giữa các vùng không chỉ là chuyện riêng của Hải Phòng - Quảng Ninh mà của các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên khắc phục rất khó do vị thế không rõ, kết nối các mạch về thể chế, hạ tầng…”, ông Trần Đình Thiên cho biết.
Thực tế, 2 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh đang mang trong mình nhiều sứ mệnh lớn lao, nhưng hiện nay vấn đề liên kết vùng trong khu vực vẫn còn làm “đau đầu” các nhà quản lý.
Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất: Nên tăng cường ban chỉ đạo hoặc hội đồng vùng; có thể thành lập hội đồng doanh nghiệp vùng để có cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào sự phát triển vùng bên cạnh các nhà đầu tư chiến lược, để có thể "nắm tay nhau", đưa ra các khuyến nghị chính sách, xây dựng các chiến lược để phát triển kinh tế vùng. Với các cơ chế đặc thù, Hải Phòng và Quảng Ninh là nơi xứng đáng nhất để thử nghiệm cho cải cách liên tỉnh, liên vùng. Điều đó khẳng định vị thế của 2 địa phương này.
Những lợi thế là tiềm năng thế mạnh của 2 địa phương do nằm ở cửa biển, cận biên, có sân bay và gần Hà Nội. Đó là những lợi thế rất quan trọng cho các dự án đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, 2 địa phương này, kết nối giao thông cũng được ghi nhận là rất tạo thuận lợi cho mọi kế hoạch thu hút nguồn nhân lực và vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đó, khu vực này có chất lượng nguồn nhân lực cao nhất, có các trung tâm đào tạo chất lượng cao, có vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế. Đây được cho là những lợi thế để Quảng Ninh và Hải Phòng bứt phá trong thời gian tới. Đây cũng là điểm kết nối giữa Việt Nam - ASEAN và Đông Bắc Á; khoảng cách rất thuận lợi để trở thành tâm điểm cho các giao dịch, phát triển logistics...
Các vùng kinh tế trọng điểm là những cực tăng trưởng quan trọng, giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Nổi bật là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong giai đoạn 2011 - 2019, quy mô GRDP của 2 vùng chiếm tỷ trọng hơn 61% trong GDP. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh với giao thông phát triển đang tạo ra “tam giác vàng” phát triển về nhiều mặt tạo nên cực tăng trưởng rất năng động của cả nước.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các địa phương sẽ phát huy vai trò những đầu tàu, cực tăng trưởng, địa bàn động lực, góp phần quan trọng, xứng đáng vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Quyết định số 198/2014/QĐ-TTg ngày 25/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: "Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa".
Được xác định vai trò là hạt nhân, là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, từ năm 2009, Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ninh và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ký các chương trình hợp tác, phát triển toàn diện giữa 2 địa phương để cùng tạo ra những bước phát triển mang tính đột phá, góp phần quan trọng trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, tại Chỉ thị số 25 ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức như: Trình độ phát triển kinh tế còn chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng; thu ngân sách của một số địa phương còn chưa bền vững, phụ thuộc vào nguồn thu của một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài FDI quy mô lớn; khu vực công nghiệp chủ yếu phát triển chiều rộng, đóng góp của khoa học kỹ thuật, năng suất các yếu tố tổng hợp còn hạn chế.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chưa đồng đều và mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng chưa cao; cấu trúc không gian phát triển của vùng còn hình thành thụ động, chưa rõ nét theo định hướng. Ngoài ra, tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng chậm so với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải tại một số đô thị lớn. Công tác điều phối vùng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, từ quy hoạch, kế hoạch đến cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện...