Sơn La tăng cường quản lý tài nguyên cát trên sông Đà

Những năm qua, tại một số địa phương của tỉnh Sơn La, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Đà thuộc khu vực thượng lưu của hồ thủy điện Hòa Bình diễn ra khá phức tạp.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La kiểm tra một thuyền khai thác cát trên sông Đà.

Trước thực trạng đó, Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý và bảo vệ có hiệu quả tài nguyên cát, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Xã Tạ Bú, huyện Mường La, là một trong những địa phương có sông Đà chảy qua. Thời gian qua, tình trạng khai thác cát ở đây diễn ra khá phức tạp, đã xuất hiện những điểm tập kết cát trái phép để bán ra thị trường. Mặc dù việc khai thác khoáng sản đã được các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ, nhưng từ tháng 2 đến tháng 5 hằng năm, khi lòng hồ thủy điện Hòa Bình xuống thấp, việc khai thác khoáng sản trên sông Đà và ven một số suối nhỏ vẫn diễn ra phức tạp, một số hộ dân lén lút khai thác đưa lên các điểm tập kết.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết, thời gian qua, hiện tượng khai thác cát trái phép vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân là do người dân lén lút khai thác khi vắng bóng lực lượng chức năng; mặt khác lực lượng chức năng còn mỏng nên khó xử lý. Tại các điểm tập kết, việc xác định nguồn gốc rất khó khăn, các hộ kinh doanh đều đưa ra hóa đơn mua cát từ nơi khác chuyển đến. Để chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện Mường La đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép.

Chú thích ảnh
Một tàu khai thác khoáng sản không được cấp phép neo đậu trên sông Đà thuộc xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn.

Theo thống kê, từ tháng 6/2019 đến tháng 3/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 29 vụ vi phạm, trong đó 2 vụ khai thác khoáng sản trái phép và 27 vụ mua bán, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Tang vật tịch thu là hơn 100 m3 cát; số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 100 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản, thời gian tới, huyện Mường La xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tại huyện Mai Sơn, do là khu vực thượng lưu của lòng hồ thủy điện Hòa Bình, nên tại sông Đà đoạn qua các xã Tà Hộc và Chiềng Chăn có nhiều mỏ cát xây dựng. Những năm trước, khu vực này luôn được coi là điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép, gây ảnh hưởng tới đời sống người dân. Cùng với đó, tình trạng vận chuyển cát từ cảng Tà Hộc ra huyện Mai Sơn đã gây hư hại tuyến Tỉnh lộ 110. Trước tình hình đó, huyện Mai Sơn đã tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương đề ra nhiều giải pháp thích hợp nhằm hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Chú thích ảnh
Một điểm tập kết cát được cấp giấy phép tại xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. 

Theo đó, để lập lại trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, huyện Mai Sơn đã tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La tiến hành khảo sát, thăm dò trữ lượng, lập quy hoạch; đồng thời đấu giá cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp đủ điều kiện. Đến nay, UBND tỉnh Sơn La đã cấp Giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng cho hai doanh nghiệp, qua đó góp phần siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản trên lòng hồ sông Đà. Sau khi các mỏ cát được cấp cho doanh nghiệp khai thác có cắm mốc, phân định rõ ràng, tình trạng khai thác trái phép đã giảm, an ninh trật tự trên địa bàn xã Tà Hộc được đảm bảo.

Ông Lèo Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn cho biết, từ khi UBND tỉnh Sơn La cấp phép cho hai doanh nghiệp hoạt động, trên địa bàn xã không còn hiện tượng khai thác cát trái phép. Thời gian qua, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo sát sao, nếu có thuyền đến khai thác trái phép, xã báo cáo huyện để kịp thời kiểm tra, lập biên bản xử lý, đình chỉ. Bên cạnh đó, tại khu vực cảng đã có trạm cân tải với các xe chở cát, đảm bảo chở đúng tải trọng theo quy định, hạn chế được tình trạng mất trật tự an ninh như trước.

Ông Lò Văn Biên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn thông tin, để tăng cường quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản, hàng năm huyện Mai Sơn đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban, ngành, các xã/thị trấn tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Năm 2019, huyện Mai Sơn đã tổ chức 15 đợt kiểm tra, nắm bắt tình hình thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn trọng điểm có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, qua đó phát hiện, xử phạt hành chính 3 trường hợp với số tiền 37,5 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Công an huyện Mường La, tỉnh Sơn La kiểm kê khối lượng cát tịch thu do vận chuyển không rõ nguồn gốc hợp pháp. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, hiện tỉnh mới chỉ cấp 3 giấy phép khai thác cát, sỏi trên sông Đà cho các đơn vị, nhưng đã có một doanh nghiệp phải tạm dừng khai thác. Việc quản lý, xử lý những điểm khai thác cát trái phép gặp một số khó khăn như: Các điểm khai thác khoáng sản trái phép hoạt động mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, thường diễn ra ở các vùng đồi núi hiểm trở, xa dân cư, đi lại khó khăn; các đối tượng thường khai thác lén lút, chộp giật và theo mùa vụ. Ngoài ra, nhận thức của người dân ở vùng sâu, vùng xa về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho lực lượng làm nhiệm vụ, việc tổ chức kiểm tra, bắt giữ trên đường sông còn gặp nhiều khó khăn do không có phương tiện chuyên dụng.

Ông Đoàn Văn Học, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cho biết, để quản lý tốt, hạn chế vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, ngành tiếp tục tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và người dân.

Đồng thời, Sơn La đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nhất là Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Nếu trên địa bàn xã nào để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và thành lập bến, bãi tập kết cát sỏi trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển, bố trí công tác khác.

Ngoài ra, các chủ đầu tư khi tiến hành ký hợp đồng giao thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng cát, sỏi phải chứng minh bằng văn bản về nguồn gốc hợp pháp của cát, sỏi do nhà thầu cung cấp, chỉ phê duyệt, thanh toán, quyết toán đối với phần khối lượng cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp.

Tin, ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)
Liên tiếp phát hiện khai thác cát trái phép trên sông Thái Bình
Liên tiếp phát hiện khai thác cát trái phép trên sông Thái Bình

Lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết, các cơ quan chức năng của huyện vừa phát hiện, xử lý 2 trường hợp đã lợi dụng lúc cơ quan chức năng đang tập trung lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 để khai thác cát trái phép trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN