Sóc Trăng siết chặt giám sát hành trình tàu cá

Sóc Trăng đã chú trọng tuyên truyền về khai thác bền vững, hiệu quả, đặc biệt là tuân thủ quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Kinh tế biển là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng, trong những năm qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả cao trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy hải sản. Trong khai thác biển, Sóc Trăng đã chú trọng tuyên truyền về khai thác bền vững, hiệu quả, đặc biệt là tuân thủ quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cùng với đó, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đã tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát hành trình tàu cá, chống khai thác bất hợp pháp, nỗ lực cùng cả nước sớm gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).

Chú thích ảnh
Tàu neo đâu tại cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: Tư liệu TTXVN/phát

Tăng cường kiểm tra, giám sát tàu thuyền

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phát hành 86 thông báo tàu mất kết nối ngoài khơi đến trực tiếp các chủ tàu cá, tiến hành lập hồ sơ các tàu cá không mở máy giám sát hành trình, xử lý thông tin theo quy trình, bao gồm: thông báo đến chủ tàu cá việc tàu cá mất kết nối (có xác nhận của chủ tàu), hướng xử lý của chủ tàu cá mất kết nối, liên hệ đơn vị cung cấp thiết bị xử lý tàu cá mất kết nối, nhận kết quả xử lý tàu cá mất kết nối, khi kết thúc hồ sơ tàu cá mất kết nối, lập báo cáo gửi về Tổng cục Thủy sản (thông qua Trung tâm Thông tin thuỷ sản). Qua đó, chi cục thống nhất mẫu sơn chuẩn được nêm yết tại Trạm Đăng kiểm tàu cá, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đánh dấu tàu cá theo quy định. Đối với các tàu cá chưa được đánh dấu theo mẫu chuẩn sẽ không được xem xét gia hạn và lập thủ tục đăng kiểm.

Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện cấp phép khai thác thủy sản, đăng kiểm, đăng ký tàu cá theo đúng quy định và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu tàu cá về đăng ký, đăng kiểm và cấp phép tàu cá của tỉnh, các dữ liệu này được kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sỡ dữ liệu nghề cá quốc gia. Chi cục niêm yết công khai việc cấp giấy phép khai thác thủy sản xa bờ theo hạn ngạch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ, đồng thời phát hành 30 thông báo tàu cá có hoạt động khai thác hải sản sai vùng theo nội dung ghi trong giấy phép khai thác thủy sản được cấp. Chi cục tổ chức tọa đàm với ngư dân và các nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, trao đổi trực trực tiếp 30 chủ tàu cá và 3 đại diện công ty cung cấp thiết bị giám sát hành trình, qua đó đã hỗ trợ ngư dân khắc phục lỗi mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu.

Theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá tỉnh Sóc Trăng, đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên bắt buộc phải lắp đặt máy giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) theo lộ trình của Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Kết quả đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 330/367 tàu lắp thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy trình lắp đặt, đảm bảo thực hiện đúng quy định kẹp chì trên thiết bị VMS.

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng theo dõi giám sát và liên lạc với tàu cá đánh bắt xa bờ. Ảnh: Tư liệu TTXVN/phát

Về viêc xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, qua gần 4 năm thực hiện, ngành chức năng đã thẩm định truy xuất nguồn gốc và chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu được 1.217 lô hàng với tổng khối lượng là 196.166 tấn, thực hiện xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác được 691 giấy với khối lượng 41.998 tấn; thẩm định và cấp chứng nhận an toàn thực phẩm cho 311/368 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đạt 85%. Vệ sinh tại cảng cá được duy trì thường xuyên đảm bảo sạch sẽ, an toàn thực phẩm. Ban Quản lý cảng cá Trần Đề thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu phải sắp xếp các sản phẩm từ khai thác tại cảng cá gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Tất cả các tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng thủy sản là tàu cá được đăng ký, cấp phép và ghi chép trong sổ nhật ký cập cảng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề thực hiện nghiêm và triển khai đến các tổ chức, cá nhân hành nghề hoạt động thủy sản các quy định về ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản đúng theo quy định.

Ngăn chặn vi phạm

 

Chú thích ảnh
Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng phối hợp tuyên truyền ngư dân ven biển Sóc Trăng khai thác biển hợp pháp.

Nhờ các biện pháp tuyên truyền, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã giúp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Báo cáo của Tổ IUU Sóc Trăng cho thấy, từ năm 2015 đến hết năm 2020, tỉnh Sóc Trăng không xảy ra tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Trong 7 tháng năm 2021, Sóc Trăng có 1 trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm đánh bắt nhưng tuy là tàu số hiệu Sóc Trăng nhưng lại được chủ tàu cho người ở tỉnh khác thuê lại để khai thác biển.

Từ năm 2018 đến nay, báo cáo của Tổ IUU Sóc Trăng cũng cho thấy, các lực lượng chức năng đã tích cực tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát về chống khai thác IUU và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ chức 47 cuộc tuần tra trên biển, kiểm tra trên 990 lượt phương tiện, nhắc nhở 46 trường hợp vi phạm (thiếu trang thiết bị cứu sinh, không mang theo bản chính hoặc bản sao giấy tờ tùy thân, không trình Trạm kiểm soát IUU), phát hiện và tiến hành lập 40 biên bản làm việc, qua xác minh đã lập 35 biên bản vi phạm hành chính; xử phạt vi phạm hành chính 35 tàu cá với tổng số tiền hơn 160 triệu đồng. Tổ kiểm tra IUU phối hợp với Đồn biên phòng Trung Bình tiến hành kiểm tra 2.171 lượt tàu cá cập, rời cảng, xác minh và lập biên bản 4 tàu cá vi phạm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU. Các lỗi vi phạm gồm: chủ tàu cá tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình, khai báo không đúng qui định về lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, không có bằng máy trưởng theo qui định, đồng thời chuyển cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại Sóc Trăng, hoạt động kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ra, vào cảng khai thủy sản được các thành viên trong tổ IUU thực hiện 24/24h tất cả các ngày trong tuần. Từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng tàu cá được kiểm tra, kiểm soát là 7.810 lượt đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên cập cảng và rời cảng.

Ông Phạm Thành Huy, một thuyền trưởng tàu khai thác hải sản tại thị trấn Trần Đề cho biết: “Các mức phạt về khai thác thủy sản trái phép rất nặng, nếu như đánh bắt ở vùng biển nước ngoài khi bị phát hiện, cơ quan chức năng nước sở tại có thể tịch thu tàu, bắt giam thuyền viên. Nếu cơ quan chức năng của nước mình phát hiện thì có thể bị phạt tiền tới 900 triệu đồng, tước giấy phép khai thác thủy sản, tước chứng chỉ thuyền trưởng... Vì thế, chúng tôi chưa bao giờ có ý định vi phạm vùng biển nước ngoài”.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng cho biết, hiện nay theo phần mềm quản lý máy giám sát hành trình, thì tại Sóc Trăng có trên 70 tàu cá thường xuyên mất kết nối, nguyên nhân là một số chủ tàu cá lớn không chịu đóng cước phí dịch vụ máy giám sát, chủ tàu cá tự ngắt kết nối, một số do lỗi kỹ thuật từ nhà cung cấp dịch vụ, một số tàu cá khi hoạt động khai thác hải sản trên biển đã vi phạm vùng khai thác theo giấy phép được cấp, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu.

Do vậy, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị cần có hướng dẫn các địa phương việc xử lý đối với các trường hợp mất kết nối, khai thác hải sản sai vùng so với giấy phép được cấp; đồng thời, hướng dẫn về cơ chế, chính sách, số lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị trang bị cho Văn phòng kiểm soát tàu cá tại cảng cá, giúp cho địa phương có cơ sở bố trí nguồn vốn để mua sắm và trang bị cho Văn phòng kiểm soát IUU và các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, hướng dẫn các địa phương hoặc bố trí nguồn vốn hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh hàng tháng cho máy giám sát hành trình trên tàu cá tại các địa phương, kinh phí hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh hàng năm của tỉnh tương đương hơn 1,7 tỷ đồng…

Trung Hiếu (TTXVN)
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Kinh nghiệm từ Thái Lan
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Kinh nghiệm từ Thái Lan

Là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn cầu với giá trị thu về 3,2 tỷ euro (3,75 tỷ USD) mỗi năm, ngành thủy sản đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan cũng như với sinh kế của 2 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực này tại 2.500 làng chài trên toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN