Sinh kế hàng chục nghìn người bị thiệt hại nếu mật ong Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống phá giá

Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra, kéo theo đó là sinh kế của 35.000 người nuôi ong Việt Nam bị thiệt hại nặng nề.

Việt Nam bị đề xuất áp thuế cao nhất

Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraina và Việt Nam.

Nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ và Hiệp hội mật ong Sioux, mức thuế chống bán phá giá mà phía nguyên đơn đề nghị áp cho mật ong của Việt Nam lên tới 207%, cao hơn nhiều so với mức thuế đề xuất cho các nước xuất khẩu khác vào Mỹ như Brazil (114%), Ấn Độ (34 - 99%), Ukraine (11 - 95%) và Argentina (17 - 23%).

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương  cho biết, trong những năm gần đây kim ngạch nhập khẩu mật ong tự nhiên vào Mỹ trung bình khoảng 450 triệu USD/năm. Các nước xuất khẩu chính vào thị trường Mỹ là Brazil, Argentina, Ấn Độ, Việt Nam, Canada, Ukraina. Riêng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam sau khi giảm liên tục trong hai năm 2018 và 2019 đã tăng 27,7% trong năm 2020, đạt mức 60,4 triệu USD. Do có tốc độ tăng trưởng lớn, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ đã lên đến 14,5%, mức cao nhất trong vòng 4 năm gần đây.

Chú thích ảnh
Nếu mật ong Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng đến sinh kế nhiều người dân ở vùng cao, vùng khó khăn. Ảnh: TTXVN.

Nếu bị áp kiện chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ không chỉ gặp khó khăn ở thị trường Mỹ, mà còn có những ảnh hưởng lớn tới sinh kế của người nông dân nuôi trồng mật ong. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp thách thức lớn bởi nguồn lực hạn chế khi tham gia các vụ điều tra của Mỹ.

Ngay sau khi nhận thông báo từ DOC, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mật ong nên trả lời bảng câu hỏi của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) để thể hiện thiện chí hợp tác với cơ quan điều tra Mỹ. Cục sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trả lời theo đúng quy định để trả lời đầy đủ và nộp bảng trả lời câu theo đúng định dạng và thời hạn. Bởi bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc cơ quan điều tra phía Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do nguyên đơn đề xuất.

Kéo theo nhiều thiệt hại

Ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam cho biết: "Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để nghề nuôi ong phát triển và giá cạnh tranh hơn nhờ nghề nuôi ong có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi".

Hơn 90% mật ong Việt Nam là xuất khẩu vào thị trường Mỹ, dao động 40.000 – 45.000 tấn, năm 2020 là hơn 50.000 tấn. Để xuất khẩu sang thị trường này, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn. Nay lại thêm việc Mỹ điều tra chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn. Hơn 30 năm xuất khẩu mật ong sang Mỹ, lần đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam gặp vấn đề này. Hiện tại, thị trường mật ong Mỹ gần như tạm ngưng nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam, chỉ có các doanh nghiệp đã có hợp đồng trước đó thì vẫn tiếp tục xuất khẩu.  Hợp đồng mới hầu như không ký được nữa. 

Ông Tâm nhận định, sẽ rất khó khăn cho mật ong Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, ngành nuôi ong hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và gắn với sinh kế của phần lớn là nông dân sống ở nông thôn, miền núi, vùng kinh tế khó khăn…Do đó, dù chỉ là một ngành kinh tế nhỏ nhưng tác động của vụ việc đến tình hình kinh tế xã hội Việt Nam sẽ lớn.

Theo thống kê của Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 32 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vào Mỹ, với kim ngạch hàng năm khoảng 70 - 100 triệu USD.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, trường hợp nếu phải chịu mức thuế lên tới 207%, nhiều ý kiến cho rằng, mật ong Việt Nam sẽ gặp bất lợi để vào thị trường Mỹ, vì không thể cạnh tranh với mật ong từ các nước khác. 

Đại diện Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, với xu thế bảo hộ đang gia tăng, một số nước có xu hướng thay đổi các thông lệ điều tra dẫn tới nhiều diễn biến khó lường. Vì vậy, các doanh nghiệp, ngành hàng cần có sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, nhất là các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam và các thị trường đang và sẽ xuất khẩu cũng như chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại.

Thu Trang/Báo Tin tức
Mật ong Việt Nam có nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá
Mật ong Việt Nam có nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa nhận được thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong xuất xứ từ 5 quốc gia gồm: Argentina, Brazil, Ấn Độ, Ukraine và Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN