Đề cập việc dư luận cho rằng, cần phải tăng mức giảm trừ gia cảnh để giảm gánh nặng thuế cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương, ông Trương Bá Tuấn cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện quy định, CPI biến động trên 20% so với lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của CPI.
Thời gian qua, Bộ Tài chính theo dõi sát sao diễn biến chỉ số CPI. Kể từ khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất là năm 2020 đến nay, CPI tăng chưa vượt ngưỡng 20% như quy định trong Luật.
Liên quan đến tiến độ xây dựng Dự thảo Luật Thuế TNCN (sửa đổi) và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, ông Trương Bá Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ lộ trình sửa đổi Luật thuế này.
Tháng 11/2024, Bộ Tài chính chính đã có công văn gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, đăng tải đầy đủ trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về các nội dung dự kiến sẽ sửa Luật thuế TNCN. Về các nội dung dự kiến sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi tổng thể, căn bản với 7 nhóm chính sách liên quan nội dung thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, giảm trừ gia cảnh, biểu thuế, thuế suất… Bộ Tài chính đã tổng hợp các ý kiến, góp ý của các bộ, ngành, địa phương. Sau 60 ngày, Bộ Tài chính sẽ gửi hồ sơ Dự án Luật này để đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định theo trình tự.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu, xa rời thực tiễn cuộc sống, khiến người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí bức xúc. Đây cũng là lý do từ năm 2022, cử tri của nhiều địa phương như Phú Thọ, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... và mới đây nhất là 6 tỉnh Bình Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Tây Ninh đồng loạt đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh.