Thay đổi tư duy để giảm nghèo bền vững

Sẽ giảm dần chính sách “cho không”

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm (ảnh) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tới.

Nhiều chính sách còn chồng chéo trong quá trình thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2010 - 2015, vậy Bộ LĐTBXH có tham mưu với Chính phủ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Các bộ ngành đang tập trung rà soát lại tất cả các chính sách do bộ ngành mình tham mưu trong thời gian qua để từ đó đánh giá hiệu quả của từng chính sách: Chính sách nào cần tích hợp, chính sách nào sửa đổi, hay kết thúc những chính sách không hiệu quả. Chính phủ cũng lưu ý các bộ ngành cần phải tự chủ động và có sự phối kết hợp trong việc rà soát chính sách, tránh việc trùng lặp, chồng chéo trong việc ban hành chính sách mới.

Các chính sách hỗ trợ sản xuất trong Chương trình 135, hay 30a như: Hỗ trợ giống, hỗ trợ cây con, phân bón, khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng... sắp tới sẽ thiết kế lại thành một hệ thống để tập trung nguồn lực. Tới đây các chính sách cho không sẽ bị giảm bớt và tiến tới loại bỏ, thay vào đó là những chính sách mang tính hỗ trợ, tạo cú hích để khuyến khích sự vươn lên của người nghèo.


Sau khi ban hành chuẩn nghèo đa chiều, với những người nghèo thiếu 5 chiều dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin), Bộ có những giải pháp nào thưa ông?

Giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta chuyển sang hình thức tiếp cận nghèo đa chiều liên quan đến 5 chiều dịch vụ thiết yếu của người dân. Thực tế, chúng ta đã triển khai chính sách giúp người dân tiếp cận y tế, thông tin, nước sạch, giáo dục, nhà ở nhưng riêng rẽ. Bây giờ, sẽ đánh giá, đo đếm các chiều cụ thể, để xem người nghèo còn chưa được tiếp cận với dịch vụ nào để tiếp tục hỗ trợ. Chính vì vậy, cần bổ sung, hoàn thiện lại hệ thống chính sách đang có.


Kết quả rà soát hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy tỷ lệ nghèo, cận nghèo tăng lên. Vậy nguồn lực bố trí sẽ như thế nào, thưa ông?

Theo kết quả điều tra nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%, cận nghèo là 5,22%, cao gấp 2 lần so với tỷ lệ nghèo theo phương pháp cũ (năm 2015). Tuy nhiên, đây là kết quả nằm trong tính toán nên không tạo ra áp lực trong việc bố trí nguồn lực. Mới đây, Thủ tướng cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với tổng kinh phí thực hiện 48.397 tỷ đồng.

Một trong những vấn đề được đặt ra khi thiết kế chính sách trong giai đoạn này là đặt người nghèo và cộng đồng làm trọng tâm; đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, phát huy tinh thần tự lực của người dân trong quá trình thực hiện giảm nghèo tại địa phương. Ngoài sự hỗ trợ của cơ quan chức năng thì chính người dân sẽ là người quyết định: Sản xuất cái gì? Tiêu thụ ở đâu? Hợp tác với ai?

Xin cảm ơn ông!

Xuân Cường
Cho “cần câu”, tránh ỷ lại
Cho “cần câu”, tránh ỷ lại

Theo cách tính mới, tỷ lệ hộ nghèo nước ta đã tăng từ dưới 5% năm 2015 lên gần 10% năm 2016. Do đó, để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, các cấp, các ngành, địa phương cần thay đổi phương pháp tiếp cận giảm nghèo, tránh tình trạng cấp, phát, nặng tính cho không, khiến người dân ỷ lại, không muốn thoát nghèo như hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN