Ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cho biết, lũy kế từ khi thành lập đến 30/6/2019, SCIC đã bán vốn thành công tại 999 doanh nghiệp; trong đó, bán hết vốn tại 896 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 84 doanh nghiệp; bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với giá vốn là 11.128 tỷ đồng và thu về 47.178 tỷ đồng (gấp 4,2 lần giá vốn). Kết quả đó phản ánh nỗ lực của SCIC và người đại diện trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ do Chính phủ giao; đồng thời, với việc triển khai kế hoạch kinh doanh của SCIC.
Tính đến 30/6/2019, tổng danh mục đầu tư do SCIC quản lý có 144 doanh nghiệp, với số vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách hơn 28.947 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 99.501 tỷ đồng. Việc quản lý vốn Nhà nước được thực hiện thông qua 259 lượt người đại diện; trong đó, có 180 lượt người đại diện là cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (chiếm 69,5%).
Kết quả về đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, hoạt động của người đại diện tại doanh nghiệp ngày càng đạt hiệu quả tích cực, giúp SCIC thực hiện tốt hơn quyền và trách nhiệm của cổ đông tại doanh nghiệp. Phần lớn người đại diện của SCIC, với vai trò là lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch, nghị quyết Đại hội cổ đông, hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2018. Chẳng hạn như: Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng (347% kế hoạch), Công ty cổ phần Xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương (227%), Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam (259%), Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ (237%)...
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) trên 30% như: Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam (93%), Công ty TNHH 2 thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền (72%), Công ty TNHH Khai thác và chế biến đá An Giang (71%), Công ty cổ phần Xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương (40%), Công ty cổ phần sữa Việt Nam (39%), Công ty cổ phần Xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa (31%), Công ty cổ phần Viễn thông FPT (31%).
Cũng theo ông Lê Song Lai, một trong những nhiệm vụ quan trọng của SCIC trong giai đoạn hiện nay là thoái vốn Nhà nước. Tuy bối cảnh thị trường không thuận lợi, song người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã phối hợp tốt với SCIC xử lý các tồn tại, hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ bán vốn, giới thiệu nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để bán vốn thành công.
Trong việc tổ chức đại hội cổ đông, người đại diện đã chủ động làm việc trước với SCIC về các nội dung đại hội như xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư, cơ cấu nhân sự, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh... Cùng với SCIC, người đại diện tại doanh nghiệp đã góp phần quan trọng, đảm bảo lợi ích của cổ đông Nhà nước tại doanh nghiệp một cách trách nhiệm. Kết quả đánh giá năm 2018 cho thấy, trong tổng số 290 người đại diện thuộc đối tượng đánh giá có 132 người đại diện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 45,5%; 118 người đại diện hoàn thành nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ 40,7%.
Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Nguyễn Chí Thành cho hay, với vai trò là cơ quan quản lý vốn Nhà nước, cổ đông của doanh nghiệp, SCIC đã liên tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho người đại diện, ban hành và cập nhật thêm các công cụ, phương thức làm việc để đồng hành với người đại diện nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho doanh nghiệp, Nhà nước.
Trong thời gian tới, SCIC sẽ chủ động để xuất và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về người đại diện; trong đó, đặc biệt lưu ý chế độ thù lao, phụ cấp, thưởng cho người đại diện cũng như chính sách cho người đại diện sau khi Nhà nước bán hết vốn tại doanh nghiệp.
Song song đó, SCIC đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phối hợp với với người đại diện; đưa phân hệ kết nối thông tin doanh nghiệp thông qua người đại diện thuộc dự án phần mềm quản trị nhân sự và kết nối thông tin thông qua người đại diện vào áp dụng trên thực tế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước.