Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển. Nhân dịp này, đồng chí Phạm Quang Nghị (ảnh), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trả lời phỏng vấn TTXVN. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Thưa ông, lâu nay chúng ta vẫn thường nói những câu mang tính khẩu hiệu, chung chung như “Thủ đô phát triển mạnh”. Vậy, minh chứng cụ thể là gì?
Chúng ta có nhiều cách để phân tích, nhận định và đánh giá. Nhưng tôi nghĩ, có hai cách thiết thực và dễ nhìn thấy nhất. Một là, dựa vào các con số thống kê, so sánh số liệu của năm 2013 với năm 2007, trước khi Hà Nội và Hà Tây hợp nhất. Hai là, hỏi ý kiến và cảm nhận của người dân. Tôi thấy những điều mà thành phố Hà Nội đã làm được là rất đáng kể, khá toàn diện, mặc dù trong bối cảnh kinh tế đất nước những năm qua hết sức khó khăn.
Hiện nay, Hà Nội có hơn 7 triệu người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức gấp 1,5 lần mức tăng bình quân của cả nước, giai đoạn 2008 - 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội tăng bình quân 9,45%. Thu ngân sách, từ hơn 57.000 tỷ đồng của cả Hà Nội và Hà Tây năm 2007, thì năm 2012 Hà Nội đã thu được hơn 146.331 tỷ đồng, bằng hơn 20% cả nước. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 2.257 USD; trong khi đó năm 2007, mức thu nhập này của người dân Hà Nội (cũ) là 2.000 USD và Hà Tây (cũ) là 520 USD.
Người dân Hà Nội, đặc biệt là càng ở những vùng khó khăn trước đây của tỉnh Hà Tây (cũ), của huyện Mê Linh hay 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình hợp nhất về Hà Nội càng thấy tự hào và phấn khởi bởi những đổi thay nhanh chóng. Không chỉ vậy, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế cũng khẳng định và đánh giá rất cao.
Khi Hà Nội bắt đầu mở rộng địa giới hành chính, ông có thấy lo lắng, áp lực và sau 5 năm, tâm trạng ấy thế nào, thưa ông?
Sau 5 năm hợp nhất, nay nhìn lại, tôi thấy việc mở rộng địa giới hành chính là chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của quyết định có ý nghĩa lịch sử này. Trong thời kỳ mở cửa và hội nhập, với khối lượng công việc lớn vô kể, những người lãnh đạo thành phố dường như lúc nào cũng cảm thấy chưa đáp ứng được yêu cầu. Tôi cho rằng điều đó cũng dễ hiểu, vì trong bộn bề công việc không phải lúc nào cũng có thể làm tốt được mọi việc. Nhưng Hà Nội đã làm được những việc rất lớn, quan trọng và bài bản, như: Sớm ổn định công tác tổ chức và cán bộ; khẩn trương bắt tay xây dựng quy hoạch, không những quy hoạch chung mà còn quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội với tầm nhìn xa và chiến lược, tiếp đến là các quy hoạch trên từng lĩnh vực.
Đã từng có ý kiến băn khoăn, lo ngại, việc hợp nhất Hà Tây về Hà Nội, văn hóa xứ Đoài có thể sẽ bị coi nhẹ, hoặc những nét đẹp của văn hóa Tràng An cũng bị phai nhạt những nét đặc trưng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Thực tế 5 năm qua là câu trả lời thỏa đáng nhất cho vấn đề này. Như chúng ta đã biết, Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước. Hà Nội có truyền thống văn hóa rất đặc biệt, vừa có khả năng thu hút, vừa có sức lan tỏa mạnh mẽ. Mở rộng diện tích Thủ đô, đồng thời cũng có nghĩa là mở rộng không gian văn hóa Hà Nội. Thực tế cho thấy, văn hóa Hà Nội sau thời kỳ mở rộng địa giới hành chính đã, đang và sẽ tiếp tục truyền thống hội tụ, lan tỏa. Những nét văn hóa truyền thống, đặc sắc vốn có của mọi vùng miền không những không bị phai nhạt, suy giảm mà ngược lại, nó đang được tôn lên và ngày càng thăng hoa, làm phong phú thêm văn hóa Thủ đô.
Thưa ông, khi sáp nhập, một thực tế là có sự mặc cảm, e ngại giữa cán bộ hai địa phương Hà Nội, Hà Tây. Vậy thời gian qua, thành phố đã làm gì để giải quyết vấn đề trên?
Đảng bộ Hà Nội có một truyền thống quý báu là luôn đoàn kết, nhất trí. Nhưng đó là truyền thống nói chung, còn đi cụ thể vào từng giai đoạn, thời gian, công việc thì nếu không biết phát huy, làm tốt, rất có thể vẫn mắc phải khuyết điểm. Khi thực hiện chủ trương hợp nhất, có khá nhiều người lo lắng sau khi hợp nhất liệu Hà Nội có đảm bảo được sự đoàn kết, nhất trí hay không? Có làm tốt được khối lượng công việc do quá trình hợp nhất đặt ra? Câu hỏi đấy, băn khoăn đấy cũng không phải là không có cơ sở.
Băn khoăn lo lắng đó được hai Đảng bộ Hà Nội và Hà Tây đặc biệt quan tâm. Cho nên tất cả những việc làm, bước đi, quy trình, thủ tục đầu tiên đều rất được quan tâm, chăm lo. Phương châm, khẩu hiệu đề ra lúc đó là: “Đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm”. Đoàn kết được nêu lên đầu tiên, rồi tiếp đến là hợp tác và trách nhiệm, đó là một phương châm chính xác, quan trọng, quyết định thành công.
Có vấn đề cần thẳng thắn nhìn nhận là đại đa số người dân vẫn chưa hài lòng về cải cách hành chính, cung cách phục vụ của cơ quan công quyền Thủ đô. Ông có đồng ý với quan điểm trên?
Mối lo ngại về thủ tục hành chính của Thủ đô Hà Nội không phải khi mở rộng địa giới hành chính mới xuất hiện mà là từ lâu. Đến hôm nay, mặc dù đã làm được rất nhiều nhưng người dân vẫn còn than phiền về nhiều thứ.
Khi sáp nhập, Hà Nội có cách làm nhằm tạo thuận lợi cho người dân, như không yêu cầu nhân dân phải đổi chứng minh nhân dân, hộ khẩu, biển số xe; không yêu cầu người dân phải làm thêm thủ tục gì khác trong việc học tập, chữa bệnh… Tiếp đến, là nhất thể hóa các cơ chế, chính sách. Có thể nói Hà Nội đã giải quyết việc này một cách rất khoa học, bài bản và giảm bớt được rất nhiều phiền hà, tốn kém cho người dân. Chúng ta còn chưa hài lòng về nhiều chuyện, nhưng không thể không ghi nhận những tiến bộ, đổi mới trong lĩnh vực cải cách hành chính của Thủ đô.
Để phát triển Thủ đô, hiện lĩnh vực nào được lãnh đạo Hà Nội quan tâm, thưa ông?
Có nhiều việc cần phải được quan tâm đồng bộ, nhưng Hà Nội đã, đang và sẽ tập trung cho công tác cán bộ. Đây là địa bàn quan trọng, khối lượng công việc lớn, nhiều áp lực và thách thức. Nếu không quan tâm đến công tác cán bộ thì chất lượng hoạt động không thể nào được như vừa qua.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Văn Cảnh (Thực hiện)