Sập bẫy 'hàng hiệu'

Những ngày giáp Tết Nguyên đán là thời điểm mà hàng rởm, hàng nhái được dịp tung hoành. Từ những cửa hàng đến những điểm bán vỉa hè đã bắt đầu “tung chiêu” giảm giá từ 50 - 70% cho các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách… trong đó, không ít mặt hàng được người bán gọi bằng cái tên “hàng hiệu”.


Hàng hiệu “giá bèo”


Dạo một vòng qua các tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, Tân Bình), Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), Nguyễn Trãi (quận 1, quận 5)…, không chỉ nhiều cửa hiệu lớn nhỏ mà ngay cả trên vỉa hè cũng xuất hiện đủ loại quần áo, giày dép, túi xách…, được các chủ hàng quảng cáo là “Xả hàng tồn kho” - “Hàng hiệu thanh lý”.


Khách hàng mua sỉ đang lựa quần áo tại kho L.D.


Năm nào cũng vậy, đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích mua hàng hiệu giá rẻ, những “chiêu trò” cũ rích như “dựng” mác hàng hiệu xuất khẩu số lượng có hạn; hàng hiệu “xách tay” từ Anh, Pháp, Mỹ, Thái Lan hay nâng giá bán sản phẩm cao gấp 3 - 4 lần giá thị trường để sau đó giảm giá lên đến 70 - 80% lại được các chủ hàng trưng dụng để lừa khách hàng.


Chị Trần Ngọc Thu Phương, ngụ tại quận 3, cho biết: “Cách đây vài hôm, tôi vào một shop thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) mua một chiếc quần jean. Chiếc quần đó được chủ hàng giới thiệu là hàng hiệu Mango nổi tiếng với giá giảm 50% (800.000 đồng) do model cũ. Tuy nhiên, tôi vừa xài được vài hôm thì chiếc quần bị bung dây khóa, sứt chỉ. Khi tìm hiểu lại thì mới biết đây là hàng dỏm nhái thương hiệu Mango”.


Chị Phương cho biết thêm, bực tức vì mua phải hàng dởm, chị đã đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) TP.HCM để khiếu nại. Tuy nhiên, bên phía Hội BVQLNTD khó giúp chị vì trên hóa đơn mua bán chỉ ghi đơn giản tên shop thời trang, không có địa chỉ, sản phẩm ghi là “quần jean thời trang” không ghi rõ nhãn hiệu Mango. “Sau khi nghe Hội BVQLNTD giải thích, tôi mới thấy mình dại dột vì ham rẻ mà mua phải hàng nhái kém chất lượng. Cửa hàng đưa cho mình hóa đơn như vậy để đối phó khi bị kiện cáo” - chị Phương bức xúc cho biết.


Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội BVQLNTD cho biết: Nếu người tiêu dùng mua hàng rởm, kém chất lượng hoặc nghi ngờ là hàng giả... thì cần phải giữ lại các giấy tờ liên quan: Phiếu bảo hành, hóa đơn, nhãn mác... để làm cơ sở pháp lý khi khiếu nại. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng là rất khó. Nhiều lần Hội cũng nhận phản ánh của người tiêu dùng và sau đó mời chủ cửa hàng lên làm việc nhưng các chủ cửa hàng đều cố tình tránh né.


“Ăn” đậm


Hiện nay, rất nhiều sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách được đổ đống bán trong các shop và vỉa hè với giá cực “sốc”. Đơn cử, tại các shop thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), một chiếc áo gió chỉ có giá 50.000 đồng, áo sơ mi, áo thun xuất khẩu với giá 50.000 - 80.000 đồng/sản phẩm. Theo một số chủ shop kinh doanh quần áo, những sản phẩm đổ đống đều là hàng cũ, dùng rồi hoặc là hàng được các cơ sở may “chui” sản xuất cho những đội quân bán lẻ dọc đường. “Nhiều shop quần áo còn nhập hàng từ Trung Quốc để bán cho người tiêu dùng với giá cực rẻ nhưng lại quảng cáo là hàng xuất khẩu, hàng nhập trực tiếp từ các hãng danh tiếng như: G - Star Raw, Mango... Lợi nhuận thu được từ các sản phẩm này đôi khi lên đến 100 - 200%” - anh Nguyễn Minh Luân, chủ shop thời trang W.K trên đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú) cho biết.


Phóng viên báo Tin Tức đã được anh N.V.B, dân chuyên buôn quần áo, túi xách, giày dép giá sỉ đưa đến tận kho chứa hàng Trung Quốc để “mục sở thị”. Tại kho quần áo L.D trên đường Tân Phước (quận Tân Bình) có đủ loại quần áo từ nhái nhãn hiệu nổi tiếng cho đến hàng được sản xuất tại Trung Quốc. Anh N.V.B cho biết: “Những loại quần áo này được giới bán buôn đích thân qua Trung Quốc chọn mẫu đặt hàng và sau đó bán lẻ cho các cửa hàng tại TP.HCM. Giá sỉ của các sản phẩm này chỉ từ vài chục ngàn đồng đến hơn 100.000 đồng/chiếc. Khi mua về, các shop thời trang cắt mác, gắn mác giả để bán với giá lên đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm”.


N.V.B cho biết thêm, đối với mặt hàng quần áo “sida”, dân bán lẻ mua hàng được đóng theo “kiện” (300 kg) với giá khoảng 7,5 triệu đồng hoặc “tép” (100 kg) với giá 3 - 4 triệu đồng. Khi lấy “kiện” về, chủ hàng sẽ phân loại. Hàng đẹp thì “phù phép” là hàng mới, còn những loại hàng xấu thì đổ đống. Thông thường, dân đánh hàng “kiện” sẽ tính toán có khoảng 100 sản phẩm đẹp, tính giá vốn để bán lẻ chỉ vào khoảng 60.000 - 65.000 đồng/sản phẩm, hàng xấu hơn để đổ đống tại shop có giá vốn chỉ 10.000 - 15.000 đồng/sản phẩm nhưng bán từ 50.000 - 60.000 đồng/chiếc trở lên. Loại xấu nhất thì có giá vốn chỉ 5.000 đồng/sản phẩm, hàng này sẽ được đội quân bán lề đường mua về và bán rất “chạy” với giá 20.000 - 30.000 đồng/sản phẩm. Mấy kiểu quảng cáo giảm giá “sốc”, giảm giá mạnh đều là “nổ” hết”, anh N.V.B phân tích.


Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM đang tăng cường kiểm soát để ngăn chặn hàng nhái, kém chất lượng. Tuy nhiên, việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng mới là giải pháp căn cơ. Bà Phan Thị Việt Thu nhìn nhận: “Ý thức của người tiêu dùng chưa cao. Theo luật, nghĩa vụ của người tiêu dùng phải tố cáo những nơi bán hàng giả, nhái cho cơ quan chức năng và cho cả doanh nghiệp sản xuất hàng thật. Thực tế việc người tiêu dùng mua những sản phẩm gắn mác hàng hiệu với giá rẻ là đã vô tình tiếp tay cho hoạt động kinh doanh này”.


Bài và ảnh: Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN