Đây là chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng đối với chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội các tỉnh, thành phố ngay khi nhận được Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã” và hiệu quả, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung, cũng như hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động theo Quyết định 23, để đảm bảo chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chia sẻ, việc triển khai này nhằm mục đích nhanh chóng đưa chính sách đi vào cuộc sống; trên tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” cho nhân dân một cách nhanh nhất, chính xác và hiệu quả.
Về kế hoạch giải ngân nguồn vốn vay, ông Huỳnh Văn Thuận cho biết: "Theo quy định tại Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người sử dụng lao động vay là 7.500 tỷ đồng từ nguồn vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi nhận được nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ thực hiện giải ngân ngay cho người sử dụng lao động đủ điều kiện theo quy định để giúp họ tái sản xuất, khắc phục khó khăn và khôi phục kinh tế".
"Trên thực tế, trong quy định của Quyết định 23, tất cả các điều kiện vay vốn, đối tượng vay vốn và quy trình thủ tục, các mẫu biểu đã hiện có, chúng tôi sẽ căn cứ vào các quy định đó để thực hiện. Đó là một trong những giải pháp mà các Bộ, ngành đã trình Chính phủ là thủ tục ngắn gọn nhất để nhằm nhanh chóng phục vụ cho người sử dụng lao động đủ điều kiện theo quy định", Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận nói.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ngân hàng Chính sách Xã hội với các đại biểu tại Trụ sở chính, chi nhánh các tỉnh, thành phố về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc nhanh chóng, tích cực triển khai chính sách ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng ban hành Nghị quyết, Quyết định.
Để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định cần có sự vào cuộc quyết liệt ngay từ bước đầu của toàn hệ thống chính trị từ khâu xác định đúng đối tượng cho vay đến khâu triển khai giải ngân vốn kịp thời và giám sát chặt chẽ để tránh tiêu cực, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội làm tốt công tác tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương để cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp hiểu rõ nội dung của Nghị quyết, Quyết định, huy động sự vào cuộc đồng nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc tuyên truyền chính sách, phát huy vai trò giám sát việc thực hiện chính sách minh bạch, hiệu quả.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cụ thể các điều kiện, thủ tục triển khai 10 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP gồm: Giảm mức đón bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình hộ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ lao động ngừng việc; hỗ trợ lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Các thủ tục hành chính thực hiện chính sách theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đều đơn giản hoá và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ.
Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Đây là chính sách mới, giúp người sử dụng lao động có thêm nguồn vốn để trả lương cho người lao động, dành thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai thực hiện chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết việc hỗ trợ, người sử dụng lao động tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình.
Theo đó, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng…
Trên tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, riêng trong 6 tháng đầu năm, có gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho gần 249 nghìn lao động, trong đó 1,6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 16 nghìn lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 879 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 3,6 nghìn căn nhà ở cho các đối tượng chính sách...
Đến hết tháng 6/2021, tổng dư nợ đạt 240.518 tỷ đồng, tăng 14.321 tỷ đồng (tăng 6,3%) so với cuối năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 206.386 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2020, hoàn thành 77% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục hỗ trợ tích cực để các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ người dân khắc phục ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.