Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi Nhà máy nhiệt điện than BOT Quảng Trị 1 (đã dừng) sang nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Tỉnh hiện có 31 dự án điện gió được quy hoạch, tập trung chủ yếu ở vùng miền núi phía Tây thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Đến giữa tháng 12/2024, tỉnh có 20 dự án điện gió với tổng công suất trên 740 MW đi vào hoạt động và phát điện thương mại, 11 dự án điện gió còn lại với tổng công suất 424 MW đang triển khai. Các dự án điện gió đang triển khai hiện gặp vướng mắc trong quá trình đấu nối, thỏa thuận chuyên ngành với ngành điện, dẫn đến tiến độ bị chậm.
Vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị có điều kiện thuận lợi để làm điện gió khi tốc độ gió đạt từ 6 - 8m/s, địa hình đồi núi trải rộng và ít dân cư. Ước tính 1 MW điện gió đóng góp vào nguồn thu của địa phương từ 600 - 800 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, điện gió trên bờ cũng ít tác động đến môi trường khi 1 MW điện gió chỉ sử dụng 0,65 ha đất; trong đó, có 0,35 ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3 ha là tạm thời. Ở vùng biển, đảo của Quảng Trị cũng thuận lợi cho đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió. Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư đến tỉnh Quảng Trị khảo sát, đề xuất đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi đảo Cồn Cỏ và vùng biển huyện Hải Lăng.
Dự án Nhà máy nhiệt điện than BOT Quảng Trị 1 do Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan làm chủ đầu tư có công suất 1.320 MW, tổng mức đầu tư trên 55.000 tỷ đồng, khởi công năm 2019 tại xã Hải Khê, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Sau khi khởi công, dự án này gặp nhiều vướng mắc nên năm 2024 đã dừng.
Do đó tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển đổi Dự án Nhà máy điện than BOT Quảng Trị 1 (dự án) sang nhà máy điện sử dụng khí LNG. Nếu dự án được chuyển sang nhà máy điện sử dụng khí sẽ góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời tiếp tục sử dụng hạ tầng đã đầu tư, nhất là Khu tái định cư xã Hải Khê có vốn đầu tư trên 250 tỷ đồng phục vụ di dân để thực dự án, qua đó tránh lãng phí nguồn lực.
Thu hút đầu tư vào làm điện gió, điện mặt trời và điện khí là ưu tiên hàng đầu của Quảng Trị, nhằm đưa tỉnh trở thành trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030 với tổng công suất khoảng 9.000 - 10.000 MW.