Toàn cảnh khu công nghiệp khai thác dầu và khí hóa lỏng Ras Laffan ở cách Doha (Qatar) khoảng 80km về phía bắc ngày 6/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Bộ Tài chính Qatar, mức chi trong năm 2018 của nước này sẽ là 55,4 tỷ USD và mức thu ngân sách chỉ vào khoảng 47,7 tỷ USD, đều cao hơn so với dự đoán trước đó.
Thâm hụt ngân sách của Qatar trong năm 2017 được dự báo vào khoảng 7,8 tỷ USD. Bộ Tài chính cho biết việc lập dự trù ngân sách năm 2018 được tính toán dựa trên giá dầu ở mức 45 USD/thùng, không đổi so với mức ước tính đối với năm 2017 mặc dù giá dầu thô đã tăng mạnh gần đây. Trong năm 2016, Qatar lần đầu tiên đã thông báo ngân sách thâm hụt 12 tỷ USD sau 15 năm đạt thặng dư.
Bộ Tài chính Qatar cho biết nước này sẽ phát hành trái phiếu nhằm đảm bảo vốn cho các dự án lớn chiếm khoảng 25 tỷ USD, gần bằng mức của năm 2017, trong đó có 3 tỷ USD dành cho các dự án đăng cai Giải World Cup 2022.
Dự báo này được đưa ra vào thời điểm căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và bốn nước láng giềng A-rập vùng Vịnh - gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Ai Cập - vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hồi đầu tháng Sáu, bốn nước A-rập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa về đường bộ, đường không và đường biển với Doha, cáo buộc quốc gia vùng Vịnh này có quan hệ quá gần gũi với Iran và hỗ trợ tài chính cho các phần tử Hồi giáo cực đoan. Qatar đã bác bỏ tất cả các cáo buộc đó và chỉ trích Saudi Arabia và các nước trên can thiệp vào công việc nội bộ và chính sách ngoại giao độc lập của Doha.
Bộ trưởng Tài chính Qatar, Ali Shareef al-Emadi khẳng định rằng việc phong tỏa (của các nước A-rập vùng Vịnh) chỉ làm tăng thêm động lực cho chiến lược đa dạng hóa kinh tế của Qatar.
Qatar, quốc gia xuất khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, đã buộc phải "thắt lưng buộc bụng" sau khi giá dầu thô sụt giảm vào năm 2014. Trong những năm gần đây, Qatar đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu khí và đưa ra kế hoạch "tầm nhìn quốc gia" năm 2030 nhằm hướng tới phát triển nền kinh tế tri thức.