Việc điều hành giá xăng dầu đang bộc lộ nhiều bất cập, nhất là cơ chế điều chỉnh giá và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đang gây bức xúc trong dư luận. Để làm rõ những vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn (ảnh).
Bộ Tài chính vừa có quyết định kiểm tra 4 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn. Thưa ông, tại sao Bộ lại có quyết định này và các cuộc kiểm tra dự định sẽ tiến hành như thế nào?
Việc kiểm tra sẽ được thực hiện bởi các cơ quan có chuyên môn của Cục Tài chính doanh nghiệp, Thanh tra Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá. Cụ thể, có ba đoàn được cử đi, trong đó, hai đoàn do Cục Tài chính doanh nghiệp đứng đầu, một đoàn do Cục phó Cục Quản lý giá đứng đầu.
Sang tuần tới, các đoàn kiểm tra sẽ chính thức đến các doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra. Dự kiến, việc kiểm tra sẽ được tiến hành từ 7 đến 10 ngày, đúng pháp luật và nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính. Chúng tôi cũng sẽ công khai các kết quả kiểm tra.
Trở lại với diễn biến của hội thảo về xăng dầu diễn ra ngày 20/9 do Bộ Tài chính chủ trì, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Petrolimex có nói là không thể tách bạch được lỗ, lãi của từng mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 21/9, khi Petrolimex trao đổi với báo chí, ông Bảo lại nói rằng hoàn toàn có thể bóc tách được lỗ, lãi hai mặt hàng này. Điều này khiến dư luận cảm thấy có sự không rõ ràng. Nhận định của ông về việc này?
Bộ Tài chính vừa có quyết định kiểm tra doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn. Ảnh: Lê Phú |
Tại cuộc hội thảo đó, tôi thấy đại diện Bộ Công Thương liên tục công kích và khẳng định việc Bộ Tài chính quyết định giảm giá vào thời điểm 26/8 là “bị làm sao” vì thời điểm đó doanh nghiệp đang lỗ. Ông Bùi Ngọc Bảo khi được hỏi lỗ, lãi từng mặt hàng thế nào cũng không nói rõ ra, không bóc tách được. Nói thế có thể nghĩ đến khả năng có dấu hiệu gian lận trong quản trị doanh nghiệp. Ngay sau đó, dư luận lên tiếng, ngày 21/9, ông Bùi Ngọc Bảo đã gặp gỡ với một số báo và khẳng định đúng là tại thời điểm 26/8, Petrolimex đang lãi từ 129 đồng/lít đến trên 400 đồng/lít. Đây là điều rất đáng suy nghĩ.
Cũng tại cuộc hội thảo, đại diện Bộ Công Thương đã khẳng định doanh nghiệp lỗ tại thời điểm trước khi giảm giá xăng dầu (26/8), tuy nhiên ngay sau đó Petrolimex lại khẳng định thời điểm đó xăng họ lãi. Theo ông tại sao lại có sự trái ngược nhau như thế?
Nếu ông Bùi Ngọc Bảo cung cấp ngay thông tin có lãi tại thời điểm 26/8 khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ hỏi từ đầu năm 2011 xăng dầu lỗ lãi thế nào, từng mặt hàng lỗ lãi ra sao... thì có lẽ mọi việc đã rõ ngay. Đại diện của Bộ Công Thương đã khẳng định tại thời điểm 26/8, doanh nghiệp đang lỗ nhưng Bộ Tài chính lại giảm giá. Điều này cho thấy các quan chức Bộ Công Thương có mặt tại hội thảo chỉ nghe thông tin một chiều từ phía các đầu mối kinh doanh xăng dầu bởi họ không hề biết thực trạng tình trạng kinh doanh xăng dầu của các đầu mối như thế nào.
Vậy con số mà Bộ Tài chính đưa ra tại buổi hội thảo dựa vào số liệu hải quan để làm căn cứ tính giá là chính xác?
Đúng, việc xem xét số liệu hải quan nhằm mục đích đánh giá thực chất kết quả kinh doanh của DN là một trong những căn cứ quan trọng để quyết định giảm gíá xăng dầu trong điều kiện lạm phát đang rất cao, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Theo số liệu hải quan thì ngoài khoản lãi định mức 300 đồng/lít, Petrolimex còn khoản 780 đồng/lít.
Tôi cho rằng căn cứ vào số liệu của hải quan là cần thiết. Ngoài việc căn cứ vào giá cơ sở trong điều kiện đặc biệt, Nhà nước phải can thiệp vào giá bán thì việc biết thực chất “lãi, lỗ” xăng dầu căn cứ vào số liệu thực nhất của hải quan, Bộ Tài chính đã làm đúng và đã căn cứ vào rất nhiều thông tin mới có quyết định. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao Bộ chưa thể quyết định giảm giá vào đầu tháng 8 khi áp lực dư luận rất lớn mà phải sau 20 ngày nghiên cứu kỹ tân Bộ trưởng mới có quyết định như vậy.
Xin cảm ơn ông!
Thùy Dương