Phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn hiện đại

Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về những thành tựu mà Hội Nông dân đã đạt được trong thời gian qua; những tâm tư, kỳ vọng của người nông dân cả nước muốn gửi đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật mà Hội Nông dân đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua?

Có thể tự hào thấy rằng một trong những thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm đổi mới nói chung và 5 năm vừa qua là nền nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu rất to lớn về năng suất, chất lượng và giá trị. Tuy kết quả chưa đồng đều giữa các vùng, nhưng nhìn tổng thể trong mối quan hệ giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới, rõ ràng nền nông nghiệp của Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất siêu về nông nghiệp. Đó là kết quả phản ánh phong trào nông dân mà trọng tâm là phong trào nông dân thi đua yêu nước sản xuất kinh doanh giỏi; phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Năm 2020 khép lại với thắng lợi của "mục tiêu kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực, uy tín và vị thế như hiện nay. Với sự tăng trưởng gần 3%, trong đó có sự góp phần quan trọng mang tính quyết định chính là nông nghiệp. Người nông dân rất tự hào vì dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia mới gắn với giảm nghèo bền vững, người nông dân đã thực sự đóng vai trò nổi bật là chủ thể.

Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức được Đảng giao để tập hợp, vận động giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng kinh tế nông thôn; xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc. Trong giai đoạn vừa qua, thành tựu nổi bật, rất đáng trân trọng chính là hình thành một thế hệ nông dân mới giàu lòng yêu nước, đoàn kết và giữ vững giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, có đủ năng lực để kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói là phải liên kết 6 nhà.

Có thể thấy, sau 35 năm đổi mới, một trong những thay đổi quan trọng giúp người nông dân đứng vững trên mảnh đất của mình, thậm chí trở thành tỷ phú, chính là tư duy kinh tế. Chúng ta đang có hơn 3,5 triệu phú nông dân, đặc biệt trong số đó có rất nhiều chi hội trưởng có trình độ cao đẳng, đại học, trực tiếp tham gia giám sát, điều hành những công ty dịch vụ, thương mại ở nông thôn được coi là đội ngũ tiên phong. Chúng ta mong muốn giải quyết được 3 đột phá, đó là thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực.

Chú thích ảnh
Đường giao thông liên xã tại xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ. Các tuyến đường xã, thôn trong tỉnh Hưng Yên đến nay đều được cứng hóa đạt tỷ lệ 100%. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Chúng ta đã có 63% tổng số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh cơ sở hạ tầng, vật chất, chúng ta còn đạt được nhiều kết quả trong hoạt động sản xuất nông nghiệp với ba tiêu chí: Năng suất cao, chất lượng cao, giá trị cao. Người nông dân trong thời đại mới đã nhận ra rằng cần phải học để có kiến thức, thực hiện đúng định hướng của Đảng là phát triển nông nghiệp, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Để làm điều đó, nông dân đã đổi mới một bước về hình thức tổ chức Hội Nông dân ở cơ sở bằng cách xây dựng các tổ, hội nghề nghiệp và nông nghiệp theo nguyên tắc 5 tự (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và 5 cùng (cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ).

Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua?

Chúng ta đều biết trong 5 năm qua dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, thành ủy, Ban cán sự đảng, đảng đoàn, trong đó có Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung triển khai, cụ thể hóa, thực hiện thắng lợi, rất toàn diện trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Một trong những thành tựu vĩ đại của dân tộc ta là đổi mới, trong đó có mặt trận hàng đầu là nông nghiệp. Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng thì không thể có được thành quả như hiện nay. Nhiệm kỳ qua, những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã giúp phát triển nông nghiệp và dịch vụ, đưa tới những thành tựu như ngày nay. Bên cạnh đó, Đảng lãnh đạo, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết đồng bào theo giới tính, giai tầng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh đồng bộ; phát huy những giá trị văn hóa như yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thông minh, luôn luôn mong muốn hợp tác với bạn bè quốc tế để cùng phát triển.

Tất cả những giá trị văn hóa này có từ hàng nghìn năm dựng nước nhưng được phát huy đỉnh cao qua việc thực hiện đường lối đổi mới này. Năm 2020, Đảng đã lãnh đạo, đưa ra một phương châm rất đúng trong công tác chống dịch COVID-19 là "chống dịch như chống giặc" rất gần gũi với người nông dân; được người dân cả nước ủng hộ.

Là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân, xin đồng chí cho biết những tâm tư, nguyện vọng của người nông dân trên cả nước gửi gắm đến Đại hội XIII của Đảng?

Phải khẳng định rằng, hội viên nông dân Việt Nam muốn gửi tới Đại hội XIII của Đảng sự tin tưởng tuyệt đối. Tư tưởng của Bác Hồ là lấy công nông là gốc, là người làm chủ đất nước này, coi đó là sứ mệnh đã được đề ra theo đường lối chiến lược trong Cương lĩnh chính trị của Đảng. Bên cạnh đó, giai cấp nông dân cũng mong muốn các đại biểu dự Đại hội hãy tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam để quyết định đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, trong đó bổ sung giải pháp về phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là dạy nghề cho người nông dân có trình độ kinh doanh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nước ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, tạo cơ hội cho người nông dân mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức. Chính vì vậy, hội viên cả nước mong muốn, thông qua Đại hội, nhiều cơ chế, chính sách sẽ được thay đổi để nông dân có thể huy động được các nguồn lực đầu tư vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng để liên kết 6 nhà tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.

Hội viên nông dân cả nước rất tin Đại hội XIII sẽ thành công tốt đẹp, mang tính toàn diện, chiến lược trên tất cả lĩnh vực với một tâm thế, cách nhìn mới trong xây dựng, bảo vệ đất nước. Cụ thể trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với các nước có cùng trình độ, năng lực; từ đó tăng cường hợp tác với nhau thông qua các tổ chức nông dân quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, mở rộng thị trường, vươn ra thế giới. Toàn thể hội viên nông dân mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Đảng ta tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo để đưa dân tộc ta phát triển hùng cường, sánh vai với các cường quốc như Bác Hồ từng mong muốn. Để thực hiện điều đó, cả dân tộc cần đoàn kết để tạo nên sức mạnh tổng hợp, mà chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có vai trò lãnh đạo, thực hiện được sứ mệnh này.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đỗ Bình/TTXVN ((thực hiện))
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam

Đúng 8 giờ ngày 26/1/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN