Phát triển nông nghiệp hữu cơ - Bài cuối: Xây dựng chiến lược phát triển dài hạn

Nông nghiệp hữu cơ được coi là một bộ phận quan trọng của sản xuất nông nghiệp Việt Nam nhằm đáp ứng phân khúc thị trường cao cấp, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn và nâng tầm thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, để nông nghiệp hữu cơ có thể phát triển hơn nữa, các mắt xích trong chuỗi sản xuất - tiêu dùng phải được hoàn thiện mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

Mở rộng quy mô thị trường

Chú thích ảnh
 Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Kiên Giang, phường An Bình, thành phố Rạch Giá. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Ngô Đức Minh, chuyên gia Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, thị trường là động lực và là yếu tố quyết định nhất đến sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ. Thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ dù có tiềm năng nhưng chưa phát triển nhanh vì nhiều nguyên nhân. Mức sống của hầu hết người dân Việt Nam còn thấp trong khi giá nông sản hữu cơ rất cao, gấp 2- 4 lần so với nông sản thường do chi phí đầu tư ban đầu lớn, tốn nhiều lao động nhưng năng suất thấp. Nông sản hữu cơ hiện chủ yếu phục vụ cho người tiêu dùng có thu nhập cao tại các đô thị lớn.

Thêm vào đó, lòng tin của người tiêu dùng đối nông sản hữu cơ chưa thật sự vững chắc do đi cùng với các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận cũng có nhiều trào lưu kinh doanh nông sản tự gắn mác hữu cơ một cách tràn lan, trong khi chất lượng không được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Lê Văn Toàn, quản lý sản xuất rau nhiệt đới trang trại Organica tại Long Thành, Đồng Nai chia sẻ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không khó, mối lo lớn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Xét về nhu cầu tiêu dùng thì rất nhiều người muốn sử dụng nông sản hữu cơ nhưng số người thực sự hiểu giá trị của nông sản hữu cơ và có khả năng sử dụng thường xuyên còn rất ít.

“Hạn chế lớn của việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay là hầu hết mô hình sản xuất hiện nay đều nhỏ lẻ, liên kết chuỗi còn kém, không tận dụng được nguồn lực dẫn đến chi phí, giá thành cao. Giá cao thì khó bán và khó mở rộng sản xuất. Để khắc phục tình trạng trên, cần có giải pháp liên kết những người sản xuất nhỏ với nhau hoặc tổ chức các mô hình hữu cơ khép kín kiểu vườn – ao – chuồng nhằm tận dụng phế thải, phụ phẩm hữu cơ cho việc tái sản xuất, cắt giảm chi phí, hạ giá thành. ”, ông Lê Văn Toàn nêu giải pháp.

Anh Bùi Thái Sơn, chủ một vườn trái cây canh tác thuận tự nhiên tại Bình Phước thừa nhận, nông sản hữu cơ không thể cạnh tranh với nông sản thông thường cả về mặt giá cả và bề ngoài nhưng mang lại giá trị thực tế và bền vững là sức khỏe người dùng, môi trường sống an toàn và sự đa dạng của hệ sinh vật.

Cụ thể, đảm bảo quy trình hữu cơ đúng tiêu chuẩn, nông dân không được phép sử dụng các loại hóa chất trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà phải làm cỏ thủ công. Trong quá trình chăm bón không dùng các chất kích thích tăng trưởng khiến thời gian chăm sóc dài hơn, tỷ lệ sản phẩm bị sâu bệnh nhiều hơn đồng nghĩa với năng suất thấp hơn. Do vậy, giá thành của các sản phẩm hữu cơ sẽ cao gấp 2-3 lần so với thực phẩm bình thường.

“Để mở rộng thị trường tiêu thụ thì việc truyền thông một cách đầy đủ về giá trị, lợi ích của nông sản hữu cơ chính là mấu chốt. Khi người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho nông sản, thực phẩm chất lượng, an toàn có nghĩa là họ đang chi cho việc bảo vệ sức khỏe của chính mình; đồng thời, cũng tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển và hạ giá thành.”, anh Sơn chia sẻ thêm.

Thiết lập hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ

Chú thích ảnh
Đóng gói rau tại Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Kiên Giang, phường An Bình, thành phố Rạch Giá. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là một phần trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng năng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 với mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất canh tác nông nghiệp hữu cơ đạt 1,5-2% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp, đến năm 2030 diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ sẽ đạt 2,5-3% tổng diện tích canh tác nông nghiệp cả nước. Nhưng để đưa nông nghiệp hữu cơ trở thành một phần cốt lõi của nông nghiệp chất lượng cao, bền vững, các chuyên gia cho rằng phải thiết lập và hoàn thiện được hệ sinh thái phục vụ nông nghiệp hữu cơ. 

Ông Hà Phúc Mịch cho rằng, muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn tất yếu phải có dịch vụ cung cấp vật tư cho nông nghiệp hữu cơ chuyên nghiệp, đủ tầm như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thảo mộc, chế phẩm sinh học... Tuy nhiên bộ tiêu chuẩn Việt Nam về nông sản hữu cơ hiện nay lại chưa có danh mục vật tư đầu vào gây khó khăn, lúng túng cho người sản xuất.

Ngoài ra, để xác định là sản phẩm hữu cơ phải có đơn vị chứng nhận. Trước đây, các tổ chức chứng nhận do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép nhưng xét theo chuyên môn chứng nhận nông nghiệp hữu cơ thì các tổ chức chứng nhận nông sản hữu cơ phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho nông nghiệp hữu cơ phát triển đúng hướng, đạt tiêu chuẩn thì các cơ quan quản lý liên quan cần sớm ban hành danh mục vật tư đầu vào cũng như công bố các cơ sở, tổ chức chứng nhận đủ năng lực chứng nhận nông sản hữu cơ.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, mặc dù, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng và sẽ là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững nhưng việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Việc mở rộng quy mô sản xuất hữu cơ đến các nông hộ để tăng diện tích và sản lượng gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu là năng suất, sản lượng không cao, nông dân chưa có thói quen ghi chép, nhận thức và trình độ chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Các sản phẩm đầu vào như phân bón, chế phẩm sinh học được chứng nhận cho sản xuất hữu cơ tại Việt Nam còn ít và giá thành cao.

Theo ông Thái Như Hiệp, để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững cần phải tăng cường phổ biến, đào tạo tiêu chuẩn hữu cơ cho người nông dân, doanh nghiệp, cán bộ tư vấn  nông nghiệp. Về phía nhà nước cần tăng cường hỗ trợ việc giới thiệu, quảng bá, phát triển thị trường nông sản hữu cơ cả nội địa lẫn quốc tế thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối, các kênh xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu.

Đặc biệt phải nhanh chóng đầu tư, hỗ trợ nâng cao chất lượng các đơn vị phân tích, đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế để giảm chi phí phân tích, đánh giá mẫu trong sản xuất hữu cơ. Khi nông sản hữu cơ được sản xuất với chi phí hợp lý, chất lượng được đảm bảo bằng các chứng nhận có uy tín mới tạo được lòng tin của người tiêu dùng, giải quyết được bài toán thị trường không chỉ tại nội địa mà cả xuất khẩu cho nông sản hữu cơ.

Xuân Anh (TTXVN)
Thu nhập tiền tỷ từ trồng bưởi hữu cơ
Thu nhập tiền tỷ từ trồng bưởi hữu cơ

Không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích, không đánh bồn và xáo xới gốc cây - những cây bưởi Diễn được trồng tại trang trại hữu cơ Nguyễn Xuân của gia đình anh Nguyễn Xuân Khải, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa luôn cho sản phẩm chất lượng cao, ngon, ngọt đậm đậm đà. Đây cũng là trang trại đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chuẩn hữu cơ/organic quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN