Đặc sản chuối ngự Đại Hoàng.
Ông Trần Khắc Năm bắt đầu trồng chuối ngự Đại Hoàng cách đây hơn 20 năm. Ban đầu, ông chỉ trồng khoảng 3 sào nhưng trồng chuối ngự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, ông đã mở rộng diện tích lên hơn 10 sào và trở thành một trong những hộ trồng chuối ngự Đại Hoàng lớn nhất của xã Hòa Hậu (cũ). Do trồng gối lứa và thực hiện nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc, vườn chuối của gia đình cho thu hoạch chính vào dịp cuối năm (từ tháng 8 âm lịch đến Tết Nguyên đán), mang lại hiệu quả cao, hơn 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên mấy năm gần đây, diện tích trồng chuối ngự Đại Hoàng của gia đình ông liên tục giảm, hiện còn gần 7 sào.
Ông Trần Khắc Năm cho biết, chuối ngự là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, gia đình ông và nhiều hộ dân địa phương đã làm giàu nhờ phát triển loại cây đặc sản này. Là cây trồng bản địa, ngoài những ưu điểm vượt trội, chuối ngự cũng có nhược điểm lớn, đó là, thân cây cao, khoảng 3 - 5m, dễ gãy và lá mềm, rất dễ bị tác động bởi thời tiết. Mấy năm gần đây, thời bất thuận, nắng nóng kéo dài, nhiều trận mưa lớn khiến cây chuối sinh trưởng, phát triển kém. Cây chuối khi trỗ hoa xong, quả không phát triển được hoặc trong cùng một buồng, một nải quả phát triển không đều, năng suất giảm nên hiệu quả kinh tế giảm theo. Tuy vậy, ông sẽ nỗ lực tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để duy trì và phát triển vườn chuối ngự Đại Hoàng – sản vật quý của quê hương.
Bà Trần Thị Ngân (xã Nam Lý, tỉnh Ninh Bình) chăm sóc vườn chuối ngự Đại Hoàng.
Gia đình bà Trần Thị Ngân cũng đã gắn bó với cây chuối ngự Đại Hoàng hàng chục năm nay. Thời kỳ cao điểm diện tích trồng chuối ngự của gia đình đạt hơn 5 sào nhưng nay cũng giảm xuống còn 2 sào. Mặc dù, chuối vẫn được chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, số lượng buồng thấp, quả không được đều, số quả lép ở nhiều nải cũng chiếm tỷ lệ cao dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Vì thế, gần 1 nửa diện tích trồng chuối ngự trước đây, gia đình bà đã chuyển sang trồng các giống chuối khác có năng suất cao hơn.
Bà Trần Thị Ngân cho biết, chuối ngự Đại Hoàng nổi tiếng không chỉ do hương vị thơm ngon đặc trưng mà chuối còn được giấm theo phương pháp truyền thống nên rất an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã có tem, nhãn, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Đây là giải pháp giúp chuối ngự Đại Hoàng khẳng định được nguồn gốc xuất xứ, không bị trà trộn bởi chuối ngự trồng ở địa phương khác. Là cây đặc sản quý của quê hương nên gia đình bà vẫn đang nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì trồng 2 sào chuối ngự; đồng thời, xem diễn biến thời tiết để mở rộng lại diện tích.
Sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn làm quà biếu.
Chuối ngự Đại Hoàng đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý năm 2009 và Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, lọt top 50 trái cây nổi tiếng Việt Nam. Vườn ươm cây giống để lưu giữ, bảo tồn nguồn gen giống chuối ngự Đại Hoàng được bố trí ngay cạnh Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sỹ Nam Cao. Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng cũng được thành lập, tập hợp những hộ thành viên sản xuất chính trên địa bàn để gắn kết trong quá trình phát triển loại cây ăn quả đặc sản này. Những năm gần đây, chuối ngự Đại Hoàng đã được mở rộng ra nhiều khu vực tại địa phương. Nhưng đến nay, diện tích chuối ngự Đại Hoàng khoảng hơn 50 ha tại vùng xã Hòa Hậu (cũ) và xã Tiến Thắng (cũ), bằng 60% so với diện tích trước đây.
Ông Trần Minh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Nam Lý cho biết, chuối ngự Đại Hoàng là giống bản địa quý hiếm chỉ trồng trên đất khu vực xã Nam Lý mới cho chất lượng ngon nhất. Tại đây vẫn còn hàng chục ha đất bãi ven sông Châu Giang đang trồng cây màu ngắn ngày rất phù hợp phát triển cây chuối ngự Đại Hoàng. Về phía chính quyền xã Nam Lý đang dự tính trong thời gian tới sẽ kết hợp khai thác vùng đất này với làng dệt truyền thống, nhà Bá Kiến, Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sỹ Nam Cao, nghề kho cá, các nhà vườn trồng cây ăn quả, nhất là chuối ngự Đại Hoàng để hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng.