Phát triển bền vững ĐBSCL - Bài 1: Đối mặt với nguy cơ 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực Nam của Việt Nam gồm một thành phố và 12 tỉnh. Vùng đất được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua nhiều kỷ nguyên thay đổi mực nước biển.

Chú thích ảnh
Tỉnh An Giang khuyến khích người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ, sản xuất các giống lúa thơm, đặc sản đảm bảo chất lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu khi đóng góp tới hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến toàn cầu cũng như Việt Nam với những tác động như: Mực nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt, triều cường, bồi lắng cửa sông… Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang từng ngày, từng giờ chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu với tình trạng hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn ngày càng tăng.

Trước hiện trạng này, nhiều giải pháp đã được ban hành; từ sách lược của Đảng, Nhà nước với Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ: Về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu hay còn gọi là “Nghị quyết thuận thiên” đến những nghiên cứu chuyên gia, nhà khoa học, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, sự hợp tác của doanh nghiệp, sự chủ động người dân. Từ đó, thách thức từ biến đổi khí hậu đã trở thành cơ hội, tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân nơi đây từng bước thay đổi, đưa Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển bền vững.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có chuyến công tác tới một số địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để nắm bắt thực tế và triển khai 4 bài viết chủ đề: “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long: Thuận thiên để thích ứng”.

Bài 1: Đối mặt với nguy cơ

Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của đất nước. Với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước) và dân số khoảng triệu người (19% dân số cả nước), vùng đất này có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng) được bồi đắp phù sa màu mỡ, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.

Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu khi đóng góp tới hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng đất này đang đứng trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đất chủ yếu do biến đổi khí hậu gây ra.

Nguy cơ hiện hữu

Theo một nghiên cứu của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc) qua phân tích và phỏng đoán các tác động của nước biển dâng, 3 vùng châu thổ được xếp trong nhóm cực kỳ nguy cấp do biến đổi khí hậu là: Vùng hạ lưu sông Mekong (Việt Nam), sông Ganges - Brahmaputra (Bangladesh) và sông Nile (Ai Cập). Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cũng cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng nặng nhất. Khi nước biển dâng cao 1 m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, ở Đồng bằng sông Cửu Long, ước tính hàng trăm ngàn hecta đất bị ngập, hàng triệu người có thể bị mất nhà cửa nếu nước biển dâng cao. Sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn, đe dọa tới an ninh lương thực của quốc gia. Diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Cá nước ngọt dự kiến sẽ suy giảm vì diện tích đất đồng bằng và dòng sông nhiễm mặn gia tăng. Ngược lại, cá nước mặn, lợ sẽ phát triển. Diện tích nuôi tôm, sò và hải sản khác có thể sẽ gia tăng trong tương lai. Các vùng tài nguyên rừng, đất, nước, sinh vật hoang dã, khoáng sản (than bùn, cát đá xây dựng...) sẽ bị xâm lấn. Nông dân, ngư dân, diêm dân và thị dân nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề do thiếu nguồn dinh dưỡng, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu. Dự kiến sẽ có sự dịch chuyển dòng di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên các đô thị vùng phía Bắc và phía Tây. Điều này khiến các quy hoạch đô thị bị phá vỡ, trật tự xã hội sẽ là một thử thách, môi trường đô thị sẽ bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số.

Tác động không mong muốn

Nêu 4 vấn đề gây ra những tác động không mong muốn của biến đổi khí hậu đối với toàn cầu cũng như Việt Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu của Việt Nam, hiện là thành viên Hội đồng cố vấn chính sách Australia về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế cho biết, vấn đề đầu tiên là nền nhiệt độ tăng giảm không theo quy luật. Điều này khiến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là cây trồng bị ảnh hưởng, dẫn đến quá trình ra hoa, đậu quả, mùa vụ đều phải điều chỉnh. Thứ hai là lượng mưa, trước đây mưa rất đều và đúng mùa để người dân tính toán mùa vụ phù hợp. Nay, mưa bất thường, đang mùa hạn lại có mưa hoặc đang mùa mưa lại hạn. Những cây trồng vốn quen với chu kỳ mưa trước đây không thể thích ứng kịp. Ví dụ, khi cây cà phê đang trong quá trình hạn lại có mưa sớm nên đã ra hoa. Người nông dân phải vứt bỏ phần hoa, điều chỉnh lại mùa vụ theo hướng tưới đuổi để đáp ứng đủ lượng nước cho bung hoa hết. Quy trình này rất tốn kém. Bên cạnh đó, việc chu kỳ mưa thay đổi cũng làm chuyển đổi cả kế hoạch bón phân cũng như xử lý sâu bệnh.

Bên cạnh nhiệt độ và mưa, hạn hán xảy ra dẫn đến xâm nhập mặn ở vùng thấp. Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ, hạn hán-xâm nhập mặn là tác động điển hình của biến đổi khí hậu đối với những nước có tiếp giáp với biển. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng rất thấp. Theo kịch bản xấu, nếu khu vực này bị ngập 100 cm, có thể trên 50 % diện tích ở Đồng bằng sông Cửu Long ngập trong nước biển.

Đề cập đến nước biển dâng, Tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ cho rằng, hiện tượng này cùng với việc mưa ít dẫn đến nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào khu vực này. Trước kia, vùng nhiễm mặn chỉ trong một vài chục km, nay đã lên đến 50, 60 km, thậm chí xa hơn, sâu hơn.

Một vấn đề nữa được Tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ đề cập đến, diện tích bị ngập không chỉ do nước biển dâng mà còn do tình trạng sụt lún nền đất. Đây là hệ lụy của quá trình xây dựng không theo quy hoạch, mật độ xây dựng quá cao kết hợp với tình trạng khai thác nước ngầm quá mức.

Tác động cuối cùng được Tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ nhắc tới là phát thải khí nhà kính. “Có 3 lĩnh vực phát thải rất lớn, đó là canh tác lúa, chăn nuôi đại gia súc, sử dụng đất. Cơ hội giảm được tỷ lệ phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, đòi hỏi nguồn kinh phí khá cao để đầu tư các giải pháp khoa học kỹ thuật”, Tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ nhận định.

Tiến sỹ Bộ lấy ví dụ, muốn chuyển từ tưới ngập nước liên tục sang tưới nước chủ động, rút nước giữa kỳ hoặc ướt khô xen kẽ, hệ thống ruộng phải được san phẳng, hệ thống thoát nước phải tốt, hệ thống tưới phải chủ động. Đối với việc sử dụng phân bón, phải dùng thế hệ mới là phân bón chậm tan, chậm phân hủy để tăng hiệu quả, giảm phát thải, đặc biệt là đối với phân đạm. “Nói như vậy thì rất lý thuyết vì lấy đâu ra phân chậm tan khi bây giờ cả thế giới mới thương mại hóa được vài triệu tấn; trong khi đó, riêng Việt Nam đã sử dụng 7,5-8 triệu tấn phân hóa học; phân chậm tan thì ta chưa sản xuất được. Đối với phân hữu cơ, trước đây, các hộ đều có bể ủ phân chuồng, nay gần như hòa loãng nước đổ ra môi trường. Phụ phẩm thì đốt hết do mùa vụ ngắn, không có chế phẩm sinh học xử lý được rơm rạ trong vòng 20 ngày”, Tiến sỹ Bộ chia sẻ.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ cũng nhận định: “Khi nói đến thích ứng với biến đổi khí hậu nghĩa là chúng ta đã xét đến yếu tố tích cực”. Theo đó, mặt tích cực ở đây là cơ hội để chuyển đổi quỹ đất kém hiệu quả, từ những cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác hiệu quả hơn. Cùng với đó, các sản phẩm nông nghiệp ngày càng được đa dạng hóa, đảm bảo an toàn sản xuất… Do đó, thách thức từ biến đổi khí hậu, nếu biết tận dụng, sẽ là cơ hội bứt phá cho Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung; cơ hội cho kinh tế nông nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế cả nước trong tương lai.

Bài 2: Thời cơ mới cho vựa lúa Việt Nam

Thu Phương (TTXVN)
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn phòng, chống sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn phòng, chống sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 28/8, trong cuộc họp với các bộ liên quan về bố trí nguồn vốn cho các dự án phòng, chống sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao 13 địa phương và các bộ, ngành đã có đề xuất kịp thời xử lý hậu quả sạt lở bờ sông, bờ biển do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống, tài sản, tính mạng của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN