Với 700 cặp ếch bố mẹ thả nuôi, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ lãi hơn 750 triệu đồng, đó là hiệu quả kinh tế mà gia đình anh Võ Văn Nhân ở thôn Xuân An, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) thu về từ trang trại nuôi ếch quy mô lớn.
Nhận thấy nghề nông cực khổ, quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" mà chẳng có đồng dư, anh Võ Văn Nhân quyết định khăn gói vào tận Củ Chi xin làm thuê tại các trang trại nuôi ếch để học hỏi kinh nghiệm. Sau gần một năm tích luỹ kiến thức, anh trở về quê đầu tư mở trang trại riêng.
Xây dựng năm 2008, trang trại của gia đình anh Nhân khá quy mô với 65 bể nuôi, mỗi bể rộng 20 m 2 , thả nuôi 600 - 700 cặp ếch bố mẹ với mật độ 350 - 400kg ếch/bể. Anh Võ Văn Nhân chia sẻ bí quyết: “Tôi thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bể nuôi để hạn chế các vi sinh vật gây hại tới đàn ếch.
Đồng thời, ở mỗi bể đặt một tấm tôn xi măng chiếm khoảng ¾ diện tích để ếch có nơi trú ẩn, phân bố đều. Trong khâu phân loại giống, đối với những nòng nọc đã lên vĩ (ván) phải bắt hết sang bể khác để những con còn dưới nước phát triển tiếp, tránh tình trạng con lớn ăn con bé. Phải chọn ếch có độ đồng đều cao nuôi cùng bể, như thế hiện tượng cắn nhau sẽ không xảy ra”.
Mỗi năm gia đình anh Nhân nuôi 2 vụ: vụ thường và vụ Tết. Nhờ chăm sóc với chế độ đặc biệt nên đàn ếch phát triển rất nhanh, khoảng 2 tháng là có ếch cung ứng cho thị trường. Giá ếch hiện giữ mức ổn định từ 60.000 - 100.000 đồng/kg.
Theo anh Nhân, mỗi vụ gia đình anh xuất bán khoảng 15 tấn ếch thương phẩm, giá trung bình 50 triệu đồng/tấn, tương đương 750 triệu đồng/vụ, trừ hết mọi chi phí 2 vụ ếch anh thu về hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài nuôi ếch thương phẩm, anh còn nuôi cả ếch sinh sản nên chủ động được nguồn giống những vụ sau. Anh Nhân còn tận dụng nguồn phân ếch để nuôi thêm 1.000 con cá trê và số ếch thải ra do không đạt yêu cầu làm thức ăn cho 5 con lợn nái... Nhờ thế, gia đình anh có thêm nhiều khoản thu khác. Trang trại của anh hiện đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.
Đầu ra cho ếch cũng rất ổn định, thường thì thương lái đưa xe đến tận nhà thu mua với số lượng lớn rồi chở ra Đà Nẵng, Huế và các tỉnh miền Bắc tiêu thụ. Các chủ trại rắn ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cũng hay đến mua ếch về làm thức ăn cho rắn nên gia đình anh Nhân không tốn kém chi phí vận chuyển cũng như lo khâu tiêu thụ.
Bà Huỳnh Thị Yến, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Thuận, cho biết: Thông qua các lớp tập huấn, Hội Nông dân xã đã giới thiệu tới bà con mô hình này và khuyến khích họ nuôi theo để cải thiện kinh tế hộ gia đình. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình nuôi ếch thương phẩm hiệu quả cao sẽ được nhân rộng ra nhiều hộ trong xã.
Lê Phước Như Ngọc